Hoa, thế mạnh của du lịch Đà Lạt. Ảnh: THANH TOÀN |
Nam Phi: Xa mà gần
* Bà Kgomotso Ruth Magau, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nam Phi tại Việt Nam: Chúng ta còn thiếu thông tin hai chiều
Đến với Lâm Đồng tôi nhận thấy, chúng ta có rất nhiều điểm chung để có thể có những hợp tác hiệu quả. Chúng tôi có thể cung cấp cho các bạn những sản phẩm các bạn cần và ngược lại, Lâm Đồng cũng có nhiều sản phẩm chúng tôi thiếu. Tuy nhiên, giữa chúng ta chưa hình thành được luồng thông tin hữu hiệu về nhau. Tôi hy vọng chúng ta sẽ tạo được những kênh thông tin chính xác, rõ ràng, dễ tiếp cận để dễ dàng tìm hiểu về hai địa phương, từ đó tìm được những mối quan hệ, hợp tác thích đáng. Giữa thế giới mở, thông tin là điều kiện cần thiết để chúng ta kết nối và hợp tác.
* Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Sẵn sàng hợp tác chặt chẽ cùng Nam Phi
Lâm Đồng có những thế mạnh mà thị trường Nam Phi ưa chuộng. Chúng tôi có vùng nông sản lớn về trà, cà phê, hoa là những mặt hàng Nam Phi cần thiết. Và Đà Lạt cũng là địa danh du lịch nổi tiếng thu hút du khách. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác cùng nước bạn để cùng thúc đẩy phát triển.
Ngoài ra, hợp tác với Nam Phi còn là điểm tựa giúp Lâm Đồng tiếp cận được thị trường các nước châu Phi rộng lớn. Lâm Đồng sẵn sàng trở thành đối tác thương mại đầu tư tại thị trường Nam Phi cũng như châu Phi và chào đón các doanh nghiệp châu Phi tới làm ăn tại Lâm Đồng.
* Bà Marida van der Westhuizen-Nel, Bí thư thứ nhất ĐSQ Nam Phi tại Việt Nam: Lâm Đồng và Nam Phi có nhiều lĩnh vực có thể hợp tác
Lâm Đồng và Nam Phi có rất nhiều lĩnh vực có thể hợp tác hiệu quả. Các bạn có trà, cà phê, hồ tiêu, hàng dệt may là những thứ chúng tôi cần. Ngược lại, Nam Phi là quốc gia xuất khẩu phân bón, hóa chất với những sản phẩm chất lượng tốt. Ngoài ra, chúng ta có thể hợp tác về du lịch là thế mạnh của cả hai.
Nam Phi có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, tài nguyên và con người dồi dào, sẵn sàng chấp nhận những thử thách mới. Chúng tôi rất hy vọng hai bên tìm được những mối quan tâm chung, hợp tác hiệu quả và thành công cho cả hai bên. D.Q (ghi)
|
Nhắc đến Nam Phi, nhiều người thường nghĩ tới châu Phi sa mạc, nắng, gió và cát. Tuy nhiên, với ba bề đất nước được đại dương bao phủ, lại nằm ở bán cầu nam nên Nam Phi có nét rất giống Đà Lạt, nhiệt độ trung bình trong năm 18 - 28 độ C, đông ấm hạ mát. Đây cũng là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển và nhiều trung tâm thương mại lớn như Johannesburg, Cape Tawn hay Pretonia. Du lịch đặc biệt thu hút du khách quốc tế với bãi biển bao quanh đất nước, hệ động thực vật phong phú, các khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã, sắc thái đặc biệt của những bộ lạc người bản địa yêu sắc màu và âm nhạc.
Trên bản đồ xếp hạng kinh tế thế giới, Nam Phi thuộc nhóm đứng đầu châu Phi và trong nhóm 50 thế giới. Những sản phẩm Nam Phi xuất khẩu ra bên ngoài là sắt thép, rượu vang, khoáng sản, nông sản như bắp, hạt điều, bông vải, phân bón… Với Việt Nam, Nam Phi được đánh giá là thị trường xuất khẩu lớn nhất tại châu Phi với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt gần 765 triệu USD. Đồng thời, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Nam Phi với kim ngạch 155 triệu USD. Tổng doanh thu thương mại giữa hai nước tăng gần 920 triệu USD trong năm 2013, tăng 27% mỗi năm. Nam Phi nhập khẩu từ Việt Nam gạo, điện thoại và phụ kiện, chè, cà phê, vải vóc, các sản phẩm dệt may. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nam Phi thép, hóa chất, kim loại, vật liệu nhựa, nông sản đặc trưng và nhiều sản phẩm khác. Hai quốc gia đã tìm thấy và bổ sung cho nhau những điều cần thiết, đạt mục đích cả hai đều có lợi.
Nam Phi - Lâm Đồng tìm điểm gắn kết
Là hai vùng đất mang sắc thái hoàn toàn khác biệt, xét trên phương diện kinh tế, Nam Phi và Lâm Đồng có thể hợp tác trên một số lĩnh vực cả hai cùng là thế mạnh. Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, mỗi năm, Nhà máy điều Lâm Đồng nhập khoảng 10 triệu USD điều thô từ châu Phi để về chế biến. Nam Phi có nhiều hàng hóa Lâm Đồng cần như phân bón, bông vải và ngược lại, chè, cà phê, nông sản đã qua chế biến của Lâm Đồng là mặt hàng được thị trường Nam Phi ưa chuộng. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cả hai địa phương chưa hiểu biết nhiều về nhau dẫn đến doanh nghiệp hai bên chưa có các hoạt động thương mại lớn xứng đáng với tiềm năng hai bên cùng sở hữu.
Đại sứ quán Nam Phi mang đến Lâm Đồng nhiều kỳ vọng vào tương lai. Bà Kgomotso Ruth Magau, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nam Phi tại Việt Nam chia sẻ, tới Đà Lạt, bà cảm giác vừa quen vừa lạ. Quen bởi khí hậu mát mẻ của Đà Lạt gần giống Nam Phi, lạ bởi Lâm Đồng mang một sắc thái hoàn toàn khác biệt. Bà mong muốn hai bên sẽ hợp tác trong những lĩnh vực cả hai cùng có thế mạnh, là cầu nối để doanh nghiệp gặp gỡ và chia sẻ thông tin, từ đó dẫn tới những hợp tác trong tương lai.
Báo Lâm Đồng