Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền cho biết, năm 2022, tỉnh tập trung củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn. Đối với các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả hoặc đã tạm ngưng hoạt động, ngành nông nghiệp đề xuất ngành chức năng giải thể bắt buộc; tránh tình trạng giữ lại hợp tác xã chỉ để đảm bảo đạt tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ hợp tác xã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chủ lực của địa phương, xây dựng chỉ dẫn địa lý, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc; trong đó, tập trung vào ngành hàng hàng chủ lực và sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) để nâng tầm sản phẩm. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến mời gọi doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm của hợp tác xã lên sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh sẽ hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.
Theo ông Phạm Minh Truyền, liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị là một trong những hoạt động quan trọng quyết định tính hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã. Tuy nhiên, số hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh tham gia liên kết theo phương thức này rất hạn chế. Trong số 126 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, chỉ có khoảng 18% tham gia liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Các hợp tác xã còn lại chủ yếu liên kết để bán vật tư đầu vào.
Khó khăn trong việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết theo chuỗi giá do thị trường nông sản tiềm ẩn nhiều rủi ro là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của liên kết chuỗi giá trị, không nhạy bén với thị trường kinh doanh, chưa chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành nhiều chính sách để giúp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; trong đó có chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai chính sách, đến nay, chỉ có 4 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa hàng hóa của 4 hợp tác xã được phê duyệt, với tổng kinh phí thực hiện gần 172 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 2,2 tỷ đồng.
Cùng với đó, trong số 20 ngành hàng, sản phẩm được ưu tiên hỗ trợ liên kết theo chính sách này, chỉ có 1 ngành hàng lúa gạo tham gia liên kết. Những sản phẩm còn lại gồm: ngô, lạc, mía đường, dừa, bưởi, xoài, thanh long, cam, rau an toàn và rau trồng công nghệ cao, bò, lợn, gà, vịt, cá lóc, cá tra, tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh, cua biển đến nay vẫn chưa có dự án đăng ký.
Thanh Hòa