Trà Vinh phấn đấu không còn hộ nghèo giai đoạn 2025 - 2030

Sau 13 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn Trà Vinh. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội hoàn thiện, hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, trường học, cơ sở vật chất văn hóa và các công trình phúc lợi công cộng được đầu tư đồng bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao rõ rệt. Đây là kết quả từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương; sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Huy động sức dân

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng thuận cao của người dân Trà Vinh. Qua 13 năm, người dân đã hiến hơn 2 triệu m2 đất, cây trái, hoa màu, trên 291.000 ngày công lao động… với tổng trị giá hơn 1.708 tỷ đồng để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa, trường học… (chiếm 6,23% tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của tỉnh).

Gia đình ông Huỳnh Văn Triều (ấp Công Thiện Hùng, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh) hiến trên 600 m2 đất trồng dừa để nâng cấp, mở rộng đường nông thôn. Ông chia sẻ, diện tích đất gia đình ông tự nguyện hiến trước đây mỗi tháng thu lợi khoảng 1 triệu đồng. Nhưng việc hiến đất làm đường đã giúp 60 hộ dân trong ấp đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện, kinh tế phát triển, học sinh đến trường dễ dàng hơn. Vì vậy, gia ông sẵn lòng sẻ chia cùng cộng đồng.

vna_potal_nhieu_chuyen_bien_o_vung_nong_thon_tra_vinh_7529327.jpg
Công trình thủy lợi ngăn mặn, dẫn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư tại ấp Tắt Hố, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hòa-TTXVN

Cùng suy nghĩ, gia đình ông Phạm Văn Rực gần đó cũng hiến gần 1.000m2 đất, trị giá hơn 1 tỷ đồng để cùng chính quyền địa phương nhựa hóa, mở rộng tuyến đường. Gia đình ông Rực vốn có truyền thống cách mạng. Trước năm 1975, ông là bộ đội, vợ làm giao liên. Sau khi đất nước thống nhất, cả hai về sống và sản xuất trên mảnh đất quê hương. Tuy tuổi cao, sức yếu, gia đình có đến 9 người con nhưng theo ông Phạm Văn Rực, việc hiến đất làm đường cũng là đóng góp xây dựng quê hương. Gia đình cách mạnh thì càng phải gương mẫu đi đầu. Vì vậy, khi chính quyền địa phương vận động, ông và người nhà không hề đắn đo, đồng thuận và hưởng ứng ngay. “Làm đường rộng thì mọi người đi lại dễ dàng hơn, nông sản địa phương có giá hơn, không bị thương lái ép giá do chi phí vận chuyển.Người người, nhà nhà trong ấp đều được hưởng lợi”, ông Rực vui vẻ cho biết.

Bí thư Chi bộ ấp Công Thiện Hùng Lê Văn Chờ thông tin, hầu như người dân địa phương đều nhận thức được Chương trình xây dựng nông thôn mới là vì lợi ích chung của cộng đồng ;trong đó, người dân sở tại được hưởng lợi nhiều nhất. Vì vậy, mọi người rất tích cực hưởng ứng. Trong số hơn 400 hộ dân toàn ấp có đến 200 hộ tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, diện tích trồng cây trái, hoa màu.Nhiều gia đình hiến ngày công lao động với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng để cùng chính quyền xây dựng, nâng cấp mở rộng các tuyến đường ở địa phương.

vna_potal_nhieu_chuyen_bien_o_vung_nong_thon_tra_vinh_7529330.jpg
Đường giao thông ở huyện Trà Cú, địa phương cuối cùng của tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Ảnh: Thanh Hòa-TTXVN

Long Đức là xã nông thôn duy nhất, nằm ở vùng ven của thành phố Trà Vinh, gồm 12 ấp với diện tích tự nhiên gần 4.000 ha, trên 5.400 hộ dân và hơn 20.000 nhân khẩu. Đây là địa phương luôn đi đầu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; là xã đầu tiên trong tỉnh đạt các chuẩn nông thôn mới (năm 2013), nông thôn mới nâng cao (năm 2019), nông thôn mới kiểu mẫu (năm 2022). Đây cũng là xã được UBND tỉnh chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.

Chủ tịch UBND xã Long Đức Lê Quốc Nam nêu rõ: Đây là kết quả từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ cao của người dân. Quá trình xây dựng nông thôn mới, địa phương triển khai nhiều mô hình để huy động sức dân… Sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2019, người dân tiếp tục chung tay xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; tự nguyện hiến đất, diện tích trồng cây trái hoa màu, cùng ngày công lao động… để xây dựng cầu, đường giao thông với tổng trị giá hơn 13 tỷ đồng. Hiện xã Long Đức đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu về cảnh quan môi trường, phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2024.

Nhiều chuyển biến

Trước khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, Trà Vinh có xuất phát điểm tương đối thấp. Năm 2010, bình quân các xã chưa đạt đến 5 trong số 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí nông thôn mới lúc đó. Thu nhập bình quân đầu người 19,47 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đến 23,63%. Với nguồn ngân sách hạn chế, các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương phải huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo chuyển dịch kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh để đạt các tiêu chí theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Huỳnh Kim Nhân cho hay, đến nay, tỉnh đã huy động các nguồn lực từ Trung ương, địa phương, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, nguồn tín dụng, doanh nghiệp, người dân... với tổng số tiền trên 27.414 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

vna_potal_nhieu_chuyen_bien_o_vung_nong_thon_tra_vinh_7529332.jpg
Huyện Cầu Kè đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Thanh Hòa-TTXVN

Sự chung tay, góp sức của cộng đồng, hiến đất nâng cấp đường giao thông nông thôn đã mở ra nhiều cơ hội giao thương, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống cho người dân. Từ đó, giúp Trà Vinh sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Có 85/85 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, 51 xã nông thôn mới nâng cao, 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 9/9 huyện, thị xã, thành phố được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hai huyện Cầu Kè và Tiểu Cần đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thay đổi rõ nhất là hệ thống hạ tầng địa phương được đầu tư đồng bộ. Trong đó, sự đồng thuận, đóng góp của người dân giúp tỉnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực quan trong để đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo an ninh quốc phòng. Hiện, 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện, 99,1% đường trục ấp và đường liên ấp, trên 76% đường trục chính nội đồng đã được cứng hóa; 100% đường làng ngõ xóm sạch đẹp, không bị lầy lội vào mùa mưa.

vna_potal_nhieu_chuyen_bien_o_vung_nong_thon_tra_vinh_7529342.jpg
Nông dân Bùi Văn Nàng (bên trái), xã Long Đức, thành phố Trà Vinh trồng hoa lan trên diện tích 1.500 m2 cho thu nhập 100-150 triệu đồng/năm. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn năm 2023 đạt gần 70 triệu đồng/người/năm, tăng xấp xỉ 3,6 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 23,63% (năm 2010) xuống còn khoảng 1,19% (năm 2023).

Khoảng cách phát triển giữa nông thôn - đô thị từng bước được thu hẹp.Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn khẳng định, xây dựng nông thôn mới là chương trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu năm 2025 có thêm ít nhất 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao; 6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 71,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí nông thôn mới còn dưới 0,5%. Giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh có thêm ít nhất 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 huyện nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cao gấp 1,5 lần so với năm 2025; không còn hộ nghèo.

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm