Hoạt động chính của làng nghề là dệt thảm, dệt chiếu, đan giỏ đã góp phần giải quyết việc làm, nâng mức thu nhập cho nông dân. Ảnh: travinh.gov.vn |
Theo kết quả khảo sát của Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, bằng các nguồn vốn của Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ngân sách tỉnh, nguồn vốn khuyến công quốc gia, tỉnh tập trung đầu tư bảo tồn và phát triển sản xuất cho 3 làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống của đồng bào Khmer ở huyện Trà Cú, gồm: làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An; làng nghề tiểu thủ công nghiệp Hàm Giang và làng nghề dệt chiếu Hàm Tân. Cụ thể, tỉnh đã đầu tư hơn 9,6 tỷ đồng để xây dựng 9 công trình đường bê tông dài hơn 8,2 km để phục vụ cho việc vận chuyển giao thương hàng hóa các làng nghề và hỗ trợ cho hộ sản xuất kinh doanh Trì Cảnh chuyên sản xuất các sản phẩm từ tre trúc mua sắm máy móc và nguồn nguyên liệu. Nhờ đó, các làng nghề được củng cố mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ có mức thu nhập khá. Hiện nay, 3 làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở huyện Trà Cú thu hút trên 3.200 lao động, năng lực sản xuất mỗi năm trên 50.000 đôi chiếu lác, hơn 30.000 sản phẩm bàn, ghế, giường, thang tre các loại và gần 500.000 sản phẩm đồ dùng sinh hoạt gia đình thu nhỏ dùng làm đồ trang trí phục vụ khách du lịch, như: ky, thúng, nia, hom... làm từ tre, trúc. Anh Thạch Chi Na, ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang là thợ chuyên đóng các vật dụng sinh hoạt gia đình bằng nguyên liệu tre, tầm vông cho biết, nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, từ năm 2015 đến nay nhiều hộ đã liên kết cùng nhau thành tổ hợp tác sản xuất. Các sản phẩm của làng nghề được làm theo đơn hàng cung ứng cho các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu… Bình quân, thu nhập của một người thợ từ 200.000-250.000 đồng/ngày. Theo ông Đồ Văn Dưng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại An, đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ ở địa phương hiện không đủ cung ứng cho thị trường. Các sản phẩm đồ dùng sinh hoạt gia đình thu nhỏ dùng làm đồ trang trí như: cần xé, rổ, xà ngôn, thúng, ky, cà ná, giỏ tổ chim, xà nen, bình hoa, giỏ hoa, hiện rất được khách du lịch và các nhà hàng, khách sạn ưa chuộng. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của các làng là nguồn nguyên liệu tre, trúc tại chỗ đã khan hiếm, chỉ đáp ứng khoảng 30%, phần lớn nguyên liệu mua ở các tỉnh khác nên giá thành sản phẩm tăng. Theo đó, người dân ở làng nghề đang rất cần sự hỗ trợ tiếp tục của tỉnh về nguồn vốn lưu động để chủ động sản xuất.
Phúc Sơn