Dự án có tổng chiều dài tuyến kè khoảng 500 m chia thành 2 đoạn kè bờ trái và bờ phải. Mỗi đoạn gồm các hạng mục tùy loại như: kè loại 1, loại 2, loại 3, bến tàu và các hạng mục phụ trợ gồm đường sau kè, hệ thống thoát nước, hệ thống bồn cây, điện chiếu sáng dọc lan can tuyến kè và hệ thống điện kết nối gồm đường dây trung áp 3 pha, cáp ngầm, 2 trạm biến áp 3 pha. Kè có độ cao đỉnh hơn 1,75 m, độ rộng mặt kè 2,5 m. Dự kiến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2020, dự án sẽ giải quyết được chỗ ở ổn định 242 hộ dân tại vùng sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn. Đồng thời, bảo vệ hơn 700 hộ dân đang có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở. Ngoài ra, dự án còn chống ngập lụt khu vực trung tâm thị trấn trong điều kiện biến đổi khí hậu; chống xói lở khẩn cấp bảo vệ dân cư sinh sống ven sông và hạ tầng đô thị; nâng cấp hạ tầng đô thị và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực dự án. Hiện nay, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu rất phức tạp; bão, triều cường, nước biển dâng… ngày càng khó lường. Giai đoạn 2012-2018, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư hơn 107 tỷ đồng để thực hiện công tác di dân tại các vùng bị sạt lở trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hơn 500 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu được bố trí chỗ ở tái định cư ổn định, được hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất. Cùng với các giải pháp công trình, tỉnh tăng cường thực hiện các giải pháp phi công trình, như trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển, bờ biển, bờ sông; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật chống lấn chiếm bờ sông, bờ biển, hạn chế đào ao nuôi tôm ven bờ sông hoặc sát mặt đê. Các địa phương vận động nhân dân xây dựng hàng rào bờ sông với các cây trồng như lá dừa nước, lục bình, bần để tạo bãi bồi chống sạt lở…
Thanh Hòa