Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Trà Vinh thực hiện các hoạt động khuyến công với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng; trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 1,5 tỷ đồng, nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh hơn 18,3 tỷ đồng, số tiền còn lại huy động các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đầu tư.
Với số tiền trên, tỉnh sẽ truyền nghề cho khoảng 300 lao động ở các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ 400 lượt học viên tham gia các khóa đào tạo tập huấn khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý điều hành doanh nghiệp cho các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề. Tỉnh cũng hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cho 52 cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ 200 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thực hiện các hoạt động khuyến công. Đồng thời, tạo việc làm cho khoảng 2.000- 3.000 lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công; nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất công nghiệp về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; huy động các doanh nhân, doanh nghiệp tích cực tham gia và hỗ trợ các hoạt động khuyến công. Hàng năm, tỉnh tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành, UBND các cấp với chủ doanh nghiệp để lắng nghe, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khuyến công, các chủ cơ sở công nghiệp nông thôn; phát triển các mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đáp ứng theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ … để cung cấp nguyên liệu đầu vào chất lượng cho các cơ sở sản xuất. Đồng thời thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở tiếp cận thị trường thông qua xúc tiến thương mại…
Tỉnh khuyến khích các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ vào sản xuất; ưu tiên hỗ trợ cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường theo chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
Ông Võ Minh Cầm, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Trà Vinh thực hiện các hoạt động khuyến công với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng; trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hơn 4,8 tỷ đồng, kinh phí khuyến công quốc gia hơn 2,1 tỷ đồng.
Cụ thể, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 2,16 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ 1,2 tỷ đồng cho 3 cơ sở, doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào khâu sản xuất. Số tiền 960 triệu đồng còn lại, tỉnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh tham gia trưng bày quảng bá thương hiệu sản phẩm tại hội chợ ngoài tỉnh.
Nguồn kinh phí khuyến công địa phương hơn 4,8 tỷ đồng, tỉnh dành hơn 3 tỷ đồng hỗ trợ 34 cơ sở, doanh nghiệp thực hiện đề án đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào khâu sản xuất (tổng kinh phí đầu tư hơn 9 tỷ đồng). Các cơ sở này sau khi đầu tư thiết bị máy móc đã mở rộng được thị trường, từ đó giúp giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động, với thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Tỉnh cũng dành hơn 313 triệu đồng tổ chức 32 lớp truyền nghề tại các cơ sở công nghiệp nông thôn cho gần 1.000 lao động, chủ yếu là ngành nghề sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp; trong đó, ưu tiên đào tạo nghề cho lao động ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo... Sau đào tạo, hơn 80% lao động có việc làm ổn định, với mức thu nhập bình quân từ 2-2,6 triệu đồng/tháng.
Số tiền còn lại, tỉnh thực hiện các hoạt động tập huấn khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, điều hành doanh nghiệp; tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở, doanh nghiệp; hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tổ chức hội thảo, tập huấn sản xuất sạch hơn….
Theo ông Võ Minh Cầm, các hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp được hỗ trợ đều phát triển theo hướng ổn định, bền vững, mở rộng quy mô hoạt động, sản phẩm đầu ra có thị trường tiêu thụ ổn định; tạo nhiều việc làm mới và tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Thanh Hòa