Tỉnh Trà Vinh vừa có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 2 đơn vị cấp huyện là huyện Càng Long, thành phố Trà Vinh được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là: Tân Hòa (huyện Tiểu Cần), Thạnh Phú và Ninh Thới (huyện Cầu Kè), Mỹ Long Bắc và Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang).
Trước đó, tỉnh Trà Vinh công nhận 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Long Đức (thành phố Trà Vinh), Phú Cần và Tân Hùng (Tiểu Cần); huyện Tiểu Cần và Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Duyên Hải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Như vậy đến nay tỉnh Trà Vinh có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5/9 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 69/85 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh Trà Vinh huy động tối đa các nguồn lực của Trung ương, địa phương, các dự án đang triển khai trên địa bàn để hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh cho biết, năm 2020, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ người dân chuyển đổi hơn 2.500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng câu hàng năm, cây lâu năm hoặc kết hợp nuôi thủy sản, giúp tăng hiệu quả từ 1,2-3,5 lần so với trồng lúa trước đó. Ngành cũng hỗ trợ người dân cải tạo hơn 140 ha đất giồng tạp, hơn 1.000 ha mía kém hiệu quả để chuyển sang nuôi trồng các loại cây con khác…, từ đó thu nhập người dân nông thôn được cải thiện đáng kể.
Năm 2020, tỉnh Trà Vinh đã huy động tổng nguồn lực hơn 4.007 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó, nguồn vốn Trung ương hơn 293 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương hơn 231 tỷ đồng; phần còn lại là nguồn vốn lồng ghép, tín dụng, doanh nghiệp và người dân đối ứng. Tỉnh cũng huy động tổng nguồn lực hơn 3.652 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, toàn tỉnh giảm được 4.010 hộ nghèo, trong đó số hộ nghèo dân tộc Khmer là hơn 2.500 hộ. Hiện toàn tỉnh còn 5.204 hộ nghèo, chiếm 1,8% so với tổng số hộ dân cư trong tỉnh.
Năm 2021, tỉnh đặt mục tiêu có thêm 8 xã và một huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỉnh cũng phấn đấu không còn xã đạt dưới 14 tiêu chí theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 1-1,5%, hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo giảm từ 1,5-2%.
Thanh Hòa