Tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc

Ngày 28/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ tổ chức kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Đây là một trong những hoạt động điểm nhấn trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”.

vna_potal_can_tho_to_chuc_hop_mat_ky_niem_23_nam_ngay_gia_dinh_viet_nam_7455149.jpg
Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cho biết, ngay từ đầu tháng 6/2024, ngành đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai nhiều hình thức như: xe lưu động thông tin tuyên truyền cổ động; các tiểu phẩm, tin bài được phát triển đa nền tảng; nội dung tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm cộng đồng… Bên cạnh đó, ngành còn tổ chức nhiều hội thi trực tuyến và trực tiếp thu hút đông đảo các đối tượng tham gia như: Tìm hiểu kiến thức pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, tiểu phẩm về xây dựng gia đình phát triển bền vững; trưng bày sản phẩm khéo tay...

Ban Chỉ đạo công tác gia đình 9 quận, huyện cũng đồng loạt ban hành các kế hoạch với các hoạt động sôi nổi như: Hội thi Câu lạc bộ “Xây dựng Gia đình phát triển bền vững”; “Bữa cơm gia đình”; Hội thi nấu ăn chủ đề “Gia đình hạnh phúc”; tôn vinh, khen thưởng các gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương...

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị, thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối, phối hợp cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng các chương trình hành động đi vào thực chất, bám sát các yêu cầu của thực tiễn cũng như nền tảng công nghệ hiện đại. Qua đó, phát huy vai trò của người lớn tuổi, người có uy tín trong gia đình, cộng đồng để xây dựng và gìn giữ các giá trị văn hóa cốt lõi; đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền và kết nối cộng đồng hiệu quả như: thành lập các nhóm Zalo để kịp thời gửi và nhận thông tin giữa các bên.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến cuối năm 2023, toàn thành phố Cần Thơ có gần 78.500 gương “Người tốt việc tốt”; 599 ấp, khu vực văn hóa; 83 phường - thị trấn văn minh đô thị, xã văn hóa nông thôn mới; 26/36 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, 5/36 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu và 31/47 phường, thị trấn đăng ký xây dựng danh hiệu đô thị văn minh...

* Nhằm giúp đoàn viên, thanh niên hiểu rõ và tăng cường ý thức giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, Học viện Chính trị Khu vực IV phối hợp cùng Đoàn trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã tổ chức chương trình Giao lưu chia sẻ góc nhìn về “Gia đình xưa và nay” vào tối 27/6.

Theo Ban Tổ chức, Chương trình nhằm gửi thông điệp đến thanh niên về vai trò không thể thay thế của gia đình, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và là điểm tựa tinh thần vững chắc; đồng thời tạo diễn đàn để thanh niên giao lưu, học hỏi lẫn nhau, chia sẻ câu chuyện, kinh nghiệm và các vấn đề thường gặp trong gia đình, từ đó có cái nhìn đa chiều và tìm ra hướng giải quyết phù hợp. Đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ trau dồi kiến thức và kỹ năng để xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững trong tương lai.

Tại Chương trình, các diễn giả, đoàn viên, thanh niên đã trao đổi kinh nghiệm trong việc thấu hiểu, sẻ chia để giữ gìn những giá trị tốt đẹp của gia đình; đề cập đến những đổi thay của gia đình trong xã hội hiện đại, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự linh hoạt và vai trò của mỗi thành viên; thảo luận về nhiều chủ đề liên quan đến gia đình, từ những giá trị truyền thống như đạo đức, lòng hiếu thảo và sự giáo dục, đến những vấn đề đương đại như sự khác biệt thế hệ và cách duy trì truyền thống trong xã hội hiện đại.

Diễn giả Hồ Thị Cẩm Linh (Học viện Chính trị khu vực IV) đã có những chia sẻ sâu sắc về sự biến chuyển của đời sống gia đình qua từng thế hệ. Bà đã phân tích những khác biệt trong quan niệm, lối sống và giá trị giữa các thế hệ, từ đó làm nổi bật những thách thức trong việc duy trì sự gắn kết và thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình hiện đại. Diễn giả Hồ Thị Cẩm Linh cũng đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm giúp thế hệ trẻ có cái nhìn cởi mở và đồng cảm hơn với cha, mẹ và ông, bà; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe, tôn trọng và chia sẻ để xây dựng một không gian gia đình hòa thuận, yêu thương, nơi mỗi thành viên đều cảm thấy được thấu hiểu và trân trọng.

Với góc nhìn của một người trẻ trong đời sống gia đình hiện đại, sinh viên Đỗ Thị Mỹ Hạnh (Trường Đại học Y Dược Cần Thơ) chia sẻ góc nhìn về những thách thức trong việc giữ trọn đạo hiếu trong bối cảnh hiện đại. Theo Hạnh, nhịp sống ngày càng nhanh và áp lực công việc, học tập ngày càng lớn khiến cho việc dành thời gian chăm sóc và quan tâm đến người thân trong gia đình trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Hạnh tin rằng, bằng sự cố gắng và chân thành, mỗi người trẻ đều có thể tìm ra cách thể hiện lòng hiếu thảo phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình.

Dịp này, Ban Tổ chức trao giải Cuộc thi viết với chủ đề “Gia đình là tế bào của xã hội” do Câu lạc bộ Lý luận trẻ, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phát động. Cuộc thi là hoạt động được tổ chức nhằm giúp đoàn viên, thanh niên tìm hiểu, đề cập, phản ánh thực trạng các vấn đề xoay quanh đời sống gia đình hiện nay, qua đó tuyên truyền, đề cao và tôn vinh những giá trị văn hóa gia đình tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Trung Kiên - Ánh Tuyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm