Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Hoàng Hải |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh: Từ nhiều năm nay, vấn đề bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa Việt Nam đã trở thành những vấn đề thực tiễn quan trọng cần quan tâm giải quyết trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần không ngừng củng cố, nâng cao khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập văn hóa mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam càng trở nên cấp thiết đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, thể hiện vai trò trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, trong đó có các cơ quan báo chí truyền thông.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Hoàng Hải |
Ông Đặng Khắc Lợi – Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ý kiến, nước ta hiện có 868 cơ quan báo chí, 67 đài truyền hình. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, các cơ quan báo chí cần đổi mới nội dung truyền thông về chủ đề này một cách đa dạng, phong phú và sinh động hơn. Cần chú trọng công tác đào tạo kỹ năng truyền thông cho nhà báo, phóng viên chuyên viết về lĩnh vực văn hóa, di sản. Ngoài ra, các cơ quan trong lĩnh vực Văn hóa cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí để làm đa dạng, kịp thời các nội dung tuyên truyền.
Ông Đặng Khắc Lợi – Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tham luận. Ảnh: Hoàng Hải |
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm chăm lo, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nhiều di tích được tôn tạo, trùng tu, nhiều lễ hội của cộng đồng các dân tộc được bảo tồn, phục dựng đã góp phần phát huy bản sắc dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vai trò của người dân, chủ nhân của di sản văn hóa ngày càng được khẳng định rõ, các yếu tố đó đã góp phần gia tăng khách du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân.
![]() |
Truyền thông góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc đến với du khách. Ảnh: Diệp Anh |
Tuy nhiên, thực trạng bảo tồn các giá trị di sản văn hóa hiện nay cũng còn nhiều vấn đề như xâm hại di tích, chảy máu di sản, một số nét đẹp truyền thống dân tộc bị phôi pha… vì vậy, công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đã trở thành sứ mệnh và trách nhiệm của mỗi cơ quan, mỗi tổ chức, mỗi người dân Việt Nam.
Xu hướng truyền thông hiện nay là tìm kiếm, gặp gỡ giữa di sản và truyền thông, góp phần xóa nhòa khoảng cách trong nhận diện, đánh giá giá trị di sản của các nhà nghiên cứu văn hóa, cộng đồng, du khác tham gia lễ hội và dư luận nói chung. Việc kết hợp được thế mạnh của truyền thông trong việc hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa là biện pháp hữu hiệu thu hút sự quan tâm của cộng đồng với di sản văn hóa, bảo vệ di sản trước thách thức của quá trình hội nhập…
Buổi tọa đàm giúp các nhà báo nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm và chất lượng chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình tác nghiệp, truyền tải thông tin tới công chúng, tăng cường phối hợp truyền thông về di sản văn hóa giữa các cơ quan báo chí và các địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị quản lý di sản văn hóa, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.