Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đọc diễn văn tại buổi lễ. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN |
Dự buổi lễ có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nước; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan, ban, ngành và nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Điện Biên qua các thời kỳ, các cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn.
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn đã sơ lược lại quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Lai Châu cũ (nay là Điện Biên). Năm 1909, cách đây 110 năm tỉnh Lai Châu được thành lập, nay là tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Trải qua các giai đoạn lịch sử, đã có nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính với tên gọi và chế độ quản lý khác nhau. Năm 1955 Khu tự trị Thái - Mèo thành lập, tỉnh Lai Châu giải thể. Năm 1962, Khu tự trị Thái- Mèo đổi tên thành Khu tự trị Tây Bắc, tỉnh Lai Châu được tái lập. Ngày 26/11/2003, Quốc hội Khóa XI đã ban hành nghị quyết số 22/2003/QH 11 về việc chia và điều chỉnh địa giới một số tỉnh, trong đó có tỉnh Lai Châu được chia tách thành 2 tỉnh là Điện Biên và Lai Châu ngày nay.
Trải qua các giai đoạn phát triển, tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân, giai đoạn 2005- 2010 đạt 11,6%/năm; giai đoạn 2010 - 2015, GDP bình quân tăng 9,11%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 23,6 triệu đồng (tương đương 1.130 USD), gấp 1,89 lần so với năm 2010; GRDP bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 8,30%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2018 đạt 264,6 ngàn tấn, gấp 1,55 lần so với năm 2004. Thu ngân sách năm 2018 đạt 9.591,9 tỷ đồng, trong đó thu ngân trên địa bàn đạt 1.255,23 tỷ đồng, tăng hơn 12,2 lần so với năm 2004; thu nhập bình quân đầu người đạt 26,37 triệu đồng, tăng hơn 7 lần so với năm 2004. Văn hóa – xã hội, giáo dục, y tế đều đã đạt những thành tựu đáng kể.
Các khối lực lượng vụ trang tỉnh Điện Biên tham ra diễu hành tại buổi lễ. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN |
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả tích cực cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ một Ban Cán sự Đảng khi mới thành lập chỉ có 20 đảng viên (tháng 10/1949), đến nay Đảng bộ tỉnh có 14 đảng bộ trực thuộc với 645 tổ chức cơ sở đảng, trên 38.000 đảng viên.
Với những kết quả đạt được, những năm qua, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã vinh dự, tự hào được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và các danh hiệu cao quý. Đặc biệt tại Lễ kỷ niệm, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Diễn văn cũng sơ lược lại những diễn biến chính của chiến dịch Điện Biên Phủ, nêu bật ý nghĩa của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - một trong những chiến công chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của sự kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử vẻ vang hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là bản anh hùng ca về lòng yêu nước, đức hy sinh, tinh thần quả cảm, ý chí cách mạng của quân và dân cả nước, của đồng bào nhân dân các dân tộc Điện Biên - Lai Châu; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo nhân dân ta thực hiện ý chí, quyết tâm "Không có gì quý hơn độc lập tự do".
Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Điện Biên, 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh và 65 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp để ôn lại chặng đường đầy gian nan thử thách, nhưng cũng rất hào hùng của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam đã và đang sống trên mảnh đất Điện Biên anh hùng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên đã đạt được trong suốt quá trình thành lập và phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên hiện nay, Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo, cơ sở vật chất còn hạn chế, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa còn cần được quan tâm nhiều hơn; tình trạng di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật vẫn diễn ra… Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá tỉnh Điện Biên là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế; là tỉnh có đường biên giới với Lào, Trung Quốc, đặc biệt là địa phương có bề dày văn hóa lịch sử với chiến thắng Điện Biên Phủ và cộng đồng 19 dân tộc anh em đang sinh sống. Đó là sức mạnh để Điện Biên vươn lên trong thời kỳ mới.
Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên quán triệt nhận thức sâu sắc về vị trí địa thế, mục tiêu đến năm 2020 đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng Tây Bắc. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển thương mại dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái; chú trọng khai thác các nguồn lực xây dựng, phát triển kinh tế; cân đối nguồn vốn Trung ương và địa phương để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông, phấn đấu đưa thành phố Điện Biên Phủ thành đô thị loại hai; tập trung phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xóa đói giảm nghèo, nông thôn mới... Tỉnh Điện Biên cũng cần chú trọng công tác đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh nhà lớn mạnh, xóa bỏ các tuyên truyền đạo trái, tình trạng di cư tự do,…; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng. Trong quan hệ đối ngoại, Điện Biên cần duy trì quan hệ hữu nghị đặc biệt với các tỉnh Bắc Lào, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác với Trung Quốc và Thái Lan, xây dựng biên giới hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Sau lễ khai mạc là Lễ diễu binh, diễu hành mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh Điện Biên. Tham gia lễ diễu binh, diễn hành có 21 khối đại diện các lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng cựu chiến binh, cán bộ công nhân viên chức, nông dân, phụ nữ, thanh niên, học sinh sinh viên tỉnh Điện Biên. Dẫn đầu là khối rước Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ảnh Bác Hồ, biểu tượng 110 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, đến các khối diễu binh, diễu hành. Đồng thời, chương trình đồng diễn văn nghệ diễn ra tại Sân vận động tỉnh.
Đoàn diễu binh, diễu hành xuất phát từ sân vận động tỉnh Điện Biên đi qua các đường Hoàng Công Chất, đường Võ Nguyên Giáp đến Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hàng nghìn người dân và du khách đứng hai bên đường đón chào đoàn diễu binh, diễu hành trong không gian rợp cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh Điện Biên.
Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang A1; đặt vòng hoa, dâng hương tại Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Xuân Tiến – Xuân Tư – Văn Dũng