Mô hình chăn nuôi lợn rừng của anh Hờ A Sênh, người dân tộc Mông, thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN |
Anh Hờ A Sênh người dân tộc Mông ở thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên phải bỏ học khi đang là sinh viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên vì kinh tế gia đình khó khăn. Sau đó, anh đi làm ăn xa tại các tỉnh, thành phố khác nhưng cuộc sống bấp bênh, không ổn định nên anh lại trở về quê hương. Cuối tháng 2/2018, Tỉnh Đoàn Yên Bái phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh triển khai dự án khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số nhằm hỗ trợ, thúc đẩy, khích lệ thanh niên tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo. Hờ A Sênh là một trong những người được chọn. Với số tiền hỗ trợ 300 triệu đồng, Hờ A Sênh được hướng dẫn kỹ thuật trồng cây gáo vàng, dược liệu, chăn nuôi lợn rừng và hươu nhung. Sau một năm thực hiện dự án, gần 1 ha đất đồi hoang đã được Hờ A Sênh phủ xanh bởi 400 gốc cây gáo vàng, 2.000 gốc sa nhân, 6 tạ gốc nghệ giống...Năm đầu tiên dự án đã đem về cho Hờ A Sênh thu nhập 80 triệu đồng. Hờ A Sênh chia sẻ, được sự quan tâm của Tỉnh Đoàn Yên Bái và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã giúp anh thực hiện được ước mơ lập nghiệp và phát triển kinh tế. Bước đầu, dự án đã cho thu nhập ổn định hơn so với trước đây. Trong quá trình thực hiện dự án, nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh đã đến tham khảo, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gáo vàng, dược liệu. Xác định thanh niên khởi nghiệp góp phần vào sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Tỉnh Đoàn Yên Bái đã tập trung đầu tư nguồn lực để triển khai chương trình thanh niên Yên Bái sáng tạo khởi nghiệp và lập nghiệp; tổ chức kết nối, liên kết giữa các mô hình đã có, giúp thanh niên hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế theo các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, trong đó khuyến khích thanh niên người dân tộc thiểu số. Đến nay, nhiều mô hình liên kết của thanh niên tại Yên Bái đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình chăn nuôi gà ở tổ dân phố 11, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN |
Nhóm liên kết mô hình chăn nuôi gà ở tổ dân phố 11, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên có 70 thành viên tham gia, chủ yếu ở địa bàn các xã của huyện Trấn Yên và một phần của thành phố Yên Bái. Nhóm liên kết này do anh Hoàng Huy Tuấn, ở tổ dân phố 11, thị trấn Cổ Phúc là trưởng nhóm. Anh Tuấn là người cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nhóm liên kết này. Quy mô chăn nuôi của các hộ trong nhóm khoảng từ 3.000 - 5.000 con/lứa, có những hộ quy mô lên đến 10.000 con/lứa, mỗi con gà có trọng lượng trên 2,5kg. Trung bình mỗi tháng, nhóm xuất bán ra thị trường khoảng 100 tấn gà. Với giá bán từ 60.000 – 65.000 đồng/kg, nhóm có nguồn thu hơn 75 tỷ đồng/ năm. Anh Hoàng Huy Tuấn chia sẻ, liên kết giữa các hộ với nhau là để các hộ giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau hỗ trợ về vốn, đặc biệt khâu tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi. Hiện đầu ra sản phẩm chủ yếu cung cấp cho các chợ đầu mối ở Hà Nội, một phần xuất bán cho các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa… Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 700 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó gần 300 mô hình của thanh niên dân tộc thiểu số. Nhiều mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như: mô hình trồng dâu nuôi tằm tại huyện Trấn Yên, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, mô hình trồng rau an toàn… Các mô hình này tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 thanh niên. Anh Đỗ Minh Huấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Yên Bái cho biết, để tạo môi trường, giúp cho thanh niên khơi dậy ý tưởng khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm ngay trên quê hương mình, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện cho vay vốn ủy thác; phối hợp triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong thanh niên… Thời gian tới, Tỉnh Đoàn Yên Bái tiếp tục định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số phát triển các mô hình kinh tế, cho vay vốn với hình thức ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác thanh niên hoạt động hiệu quả. Đồng thời, các cấp bộ Đoàn vận động thanh niên vùng sâu, vùng xa tham gia phát triển kinh tế, góp phần cải thiện cuộc sống và xây dựng quê hương.
Đinh Thùy