Tỉnh đoàn Bình Định lập quỹ tạo đà cho thanh niên khởi nghiệp

Cơ sở may của anh Bùi Khắc Bảo. Ảnh: baobinhdinh.vn
Cơ sở may của anh Bùi Khắc Bảo. Ảnh: baobinhdinh.vn

Những năm qua, “Quỹ Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp” của Tỉnh Đoàn Bình Định đã giúp cho nhiều thanh niên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả. Nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp ngày càng sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên.

Tạo đà cho người trẻ khởi nghiệp

Sau nhiều năm làm công nhân in lụa ở Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2005, anh Bùi Khắc Bảo (trú ở Khu phố 1, phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) trở về quê nhà lập nghiệp. Lúc về quê, anh Bảo chỉ đủ tiền mua máy in lụa khoảng 20 triệu đồng để làm nghề; nhà xưởng thì trưng dụng nhà ở của cha mẹ. Nhờ chịu khó, chắt chiu từng cơ hội nên cơ sở in lụa của anh Bảo ngày càng có nhiều đơn hàng, quy mô sản xuất được mở rộng. Đến năm 2009, anh Bảo mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, tuyển thợ để may quần áo đồng phục cho học sinh trong và ngoài tỉnh. “Khó khăn lớn nhất tôi gặp phải đó là quy mô sản xuất nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp. Muốn đầu tư mở rộng sản xuất cần nguồn vốn khá lớn. Trong khi vốn tự có của gia đình tôi còn hạn hẹp. Đang đứng trước khó khăn thiếu vốn, năm 2021, tôi may mắn được tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi lãi suất 0,3%/tháng từ Quỹ Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn Bình Định”- anh Bảo chia sẻ.

Tỉnh đoàn Bình Định lập quỹ tạo đà cho thanh niên khởi nghiệp ảnh 1Cơ sở may của anh Bùi Khắc Bảo. Ảnh: baobinhdinh.vn

Với khoản vay 200 triệu đồng cùng vốn tự có đã giúp anh Bảo đầu tư mở rộng nhà xưởng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua thêm máy may và máy in ép nhiệt khổ lớn. Đặc biệt, nhờ nguồn vốn ưu đãi này đã giúp xưởng sản xuất của anh từng bước khôi phục do tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Hiện xưởng in, may của anh Bảo có 14 máy may, 2 máy in nhiệt và 8 lao động làm việc thường xuyên, thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu bán hàng hàng năm đạt khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, anh Bảo còn có một cửa hàng chuyên bán quần áo, đồng phục tại thị trấn Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn).

Cũng giống như anh Bảo, chị Phạm Thị Bích Kiều (ở phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn) cũng mong muốn khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Đầu năm 2021, với số vốn tích cóp được 100 triệu đồng, chị Kiều được "Quỹ Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp” cho vay ưu đãi 200 triệu đồng để thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng đầu tư cơ sở vật chất sản xuất ngũ cốc và kinh doanh nông sản Khánh Giang”. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, chị Kiều đã đầu tư xây dựng nhà kho, mua mới máy rang-xay-sấy ngũ cốc, thuê nhiều lao động. Nhờ sự chịu khó, dám nghĩ, dám làm, chỉ sau thời gian ngắn, chị Kiều đã tạo dựng được một cơ sở sản xuất ngũ cốc và kinh doanh nông sản có thương hiệu, uy tín, thị trường ngày càng mở rộng. Đặc biệt, sản phẩm bột ngũ cốc Khánh Giang của chị Kiều đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cấp Giấy chứng nhận OCOP (đạt hạng sản phẩm 3 sao năm 2021).

“Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, bước đầu tôi đã tạo dựng được một cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển ổn định, doanh thu hơn 450 triệu đồng/năm, tăng 50% so với trước đây. Cơ sở cũng đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương, với mức lương bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Tôi hạnh phúc bởi sự nỗ lực, cố gắng của mình đã tạo ra được các sản phẩm ngũ cốc đạt chất lượng cao, sản phẩm được khách hàng đón nhận, và điều hạnh phúc nhất đó là tôi đạt được ước mơ khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương mình” - chị Kiều cho hay.

Lan tỏa tinh thần thanh niên khởi nghiệp

Trong giai đoạn 2020-2021, đã có 8.212 hộ thanh niên trong toàn tỉnh Bình Định được vay với số tiền hơn 407 tỷ đồng để phát triển kinh tế, từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; 26 dự án khởi nghiệp của thanh niên được vay vốn ưu đãi từ 100 - 400 triệu đồng từ “Quỹ thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp” của Tỉnh Đoàn, với tổng số tiền vay gần 6 tỷ đồng. Đồng thời, Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Định hỗ trợ cho thanh niên (là chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ; chủ hợp tác xã, tổ hợp tác) vay hơn 3 tỷ đồng để thực hiện 20 dự án phát triển kinh tế. Từ các nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, các đoàn viên, hội viên thanh niên đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn bởi dịch COVID-19.

Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Định Hà Duy Trung, với chủ trương đồng hành, hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, Tỉnh Đoàn đẩy mạnh nhiều phong trào hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, làm giàu chính đáng. Từ năm 2019, “Quỹ Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp” hình thành được huy động từ nguồn kinh phí xã hội hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên, hội viên, học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để khởi nghiệp, lập nghiệp.

Hằng năm, Tỉnh Đoàn tổ chức cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Bình Định” nhằm tìm kiếm, đầu tư và động viên những mô hình, dự án sáng tạo về khởi nghiệp, lập nghiệp trên các lĩnh vực. Qua đó, tạo sân chơi bổ ích cho thanh niên, năng động, sáng tạo, mạnh dạn khởi nghiệp. Những dự án khởi nghiệp sáng tạo đoạt giải đều được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để triển khai, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Anh Trung cho biết, những đoàn viên, thanh niên có dự án, mô hình làm kinh tế hợp pháp; doanh nhân trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần nguồn vốn để đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp đều được Tỉnh đoàn hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất 0,3%/tháng, trong thời gian 2 năm. Đối với học sinh, sinh viên có đề án khởi nghiệp cần vốn để triển khai vào thực tế sẽ được vay vốn lãi suất 0%, nhằm khích lệ tinh thần khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp trong giới trẻ.

Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Định đánh giá, nguồn vốn từ “Quỹ Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp” đã đến với thanh niên kịp thời và phát huy hiệu quả cao, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, làm hạn chế tình trạng vay nóng, vay nặng lãi. Thông qua nguồn vốn ưu đãi đã giúp đỡ cho thanh niên xây dựng và nhân rộng các mô hình dự án phát triển kinh tế nhằm phát triển ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Chia sẻ về kinh nghiệm đưa tinh thần khởi nghiệp vào sâu, rộng trong phong trào thanh niên, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Duy Trung khẳng định, công tác tuyên truyền ý tưởng, tấm gương thanh niên khởi nghiệp được Tỉnh đoàn đặc biệt chú trọng. Từ đó, tạo động lực cho thanh niên học tập, quyết tâm lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế. Thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục tìm kiếm thêm nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh quan tâm, tổ chức các diễn đàn, lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng mô hình kinh tế, qua đó giúp thanh niên hiện thực ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Nguyên Linh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm