Lễ tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN |
Đánh giá về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời khẳng định: Chương trình tín dụng chính sách xã hội cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Trong 5 năm (2014-2019), toàn tỉnh có hơn 165.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Qua đó, gần 21.600 hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo. Gần 9.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học. Hơn 10.500 lao động được tạo việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Gần 1.000 lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài. Hơn 117.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn được xây dựng; hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số vay trên 120 tỷ đồng... Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 3,54% năm 2014 xuống còn 2,63% năm 2018 theo chuẩn nghèo đa chiều. Tổng dư nợ đến ngày 30/6/2019 đạt 1.907 tỷ đồng, tăng 642 tỷ đồng so với từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Ngoài ra, chính quyền các cấp đã bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội hơn 88 tỷ đồng để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tỉnh Vĩnh Long đề xuất Chính phủ mở rộng đối tượng cho vay học sinh, sinh viên đối với hộ có mức sống trung bình, hộ gia đình có từ 2-3 con đi học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề, nâng mức cho vay lên 20 triệu đồng/năm để phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường; nâng mức cho vay tối đa của các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh lên 100 triệu đồng/hộ để đáp ứng nhu cầu vốn cho các hộ vay mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình; tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo trong giai đoạn 2020-2030. Để thực hiện tốt Chỉ thị số 40- CT/TW, nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tiếp tục triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hàng năm, tỉnh sẽ dành một phần ngân sách để ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm mới và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long yêu cầu Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các công đoạn theo hợp đồng ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch và dịch vụ; hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; phổ biến các mô hình vay vốn làm ăn hiệu quả, sản xuất kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội, vận động hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác nâng cao nhận thức, ý thức tự vươn lên, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Phạm Minh Tuấn