Qua 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40/CT-TW ngày 20/11/2014 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" đã đi vào cuộc sống. Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, với mục tiêu thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre luôn nỗ lực, bền bỉ, thực hiện tốt sứ mệnh "Ngân hàng vì người nghèo" đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, đẩy lùi đói – nghèo.
Bệ đỡ cho hộ nghèo
Nghĩ về quãng thời gian đã qua với nhiều khó khăn, thiếu thốn, chị Lâm Hồng Phượng (sinh năm 1980) ngụ ấp Tây Kinh, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm càng trân quý cơ ngơi mà gia đình đã dày công gây dựng. Chị Phượng chia sẻ, trước đây chồng bị bệnh tim, gia đình lại không có đất sản xuất, nên đời sống gặp nhiều khó khăn, "cái mác nghèo đeo bám dai dẳng". May nhờ, Ngân hàng chính sách xã hội huyện xét cho vay 25 triệu đồng để chăn nuôi bò, kinh tế gia đình dần cải thiện.
Nhờ "mát tay" và chịu khó tìm hiểu kỹ thuật nên sau vài năm chăn nuôi, từ một vài con bò ban đầu, chị Phượng dần dần mở rộng chuồng trại, chăn nuôi thêm dê. Từ tiền bán bò, dê chị Phượng đã trả đủ cả gốc và lãi cho ngân hàng. Chị Phượng vui mừng cho biết, năm 2022, chị đã trả được sổ hộ nghèo. Gia đình vừa mới thoát nghèo, kinh tế chưa ổn định, vì vậy chị được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tránh nguy cơ tái nghèo. Cuối tháng 5/2024, chị xuất chuồng được 2 con bò và 20 con dê thịt, thu về hơn 60 triệu đồng; hiện trong chuồng còn 10 con dê sinh sản.
Chị Phượng chia sẻ, mấy năm qua nhờ vốn vay mà gia đình có tiền chăn nuôi, xây nhà, nuôi con cái ăn học; mong nguồn vốn vay được mở rộng để bà con được tiếp cận, làm ăn hiệu quả, cuộc sống khá giả. Chị Phượng cho biết sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả của mô hình chăn nuôi bò, dê với kỳ vọng những lứa sau tiếp tục "thắng lợi" để gia đình khá giả hơn, thoát nghèo bền vững.
Đến thăm cơ sở may gia công Mộng Tuyền của chị Lê Thị Mộng Tuyền (sinh năm 1984), ở ấp Hưng Hòa Đông, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, chúng tôi cảm nhận được không khí lao động hăng say của gần chục chị em lao động tại địa phương.
Chị Tuyền chia sẻ, sau khi đổ vỡ hôn nhân, "một nách hai con" chị trở về quê hương, thu nhập khó khăn khiến chị luôn trăn trở, suy nghĩ phải tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình.
Có tay nghề may với thâm niên hơn 10 năm, năm 2022, chị Tuyền tìm hiểu và mạnh dạn tiếp cận được nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội (70 triệu đồng) để mở cơ sở may gia công tại nhà. Nhờ vốn vay ưu đãi, chị Tuyền đầu tư đồng bộ các dàn máy may chuyên dụng để gia công các mặt hàng thời trang cho các công ty may mặc ở Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút nhiều lao động nữ nhàn rỗi tại địa phương đến làm việc, với mức lương từ 3 – 3,5 triệu đồng/tháng.
Theo thống kê, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Giồng Trôm đã thực hiện 14 chương trình tín dụng ưu đãi, với dư nợ gần 483,5 tỷ đồng, 15.881 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Huyện đã thành lập 349 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, xây dựng 21 Điểm giao dịch tại cấp xã, đưa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động vốn, tiết kiệm, chi trả an sinh xã hội, ứng dụng VBSP SmartBanking,… về tại cấp xã để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận.
Tạo thói quen tiết kiệm
Đã thành thường lệ, hơn một năm nay kể từ ngày được giải ngân nguồn vốn thoát nghèo 60 triệu đồng để chăn nuôi bò, đều đặn vào ngày mùng 4 dương lịch hằng tháng, ngoài nộp tiền lãi vay ngân hàng cho Tổ Tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng chính sách huyện Giồng Trôm, chị Nguyễn Thị Nhượng (sinh năm 1987), ở ấp Hưng An Đông, xã Hưng Nhượng cũng dành dụm tiền để gửi tiết kiệm.
Chị Nhượng chia sẻ, "Gia đình tôi một thời vất vả, nhờ vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện giúp tôi có cuộc sống ổn định hơn. Để phòng ngừa lúc rủi ro, vừa tạo điều kiện cho nhiều gia đình được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng, mỗi tháng, gia đình chắt chiu từ 200 - 400 ngàn gửi tiết kiệm. Tôi thấy đây là việc làm ý nghĩa, cứ duy trì như thế, đến thời điểm trả nợ gốc gia đình đỡ được một khoản chi đáng kể".
Bà Bùi Thị Loan – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm cho biết, phụ nữ xã hiện có 7 Tổ Tiết kiệm và vay vốn với 321 thành viên, 100% thành viên tham gia đều thực hiện gửi tiết kiệm hằng tháng. Theo bà Loan, mỗi thành viên gửi tiết kiệm từ 50-500 ngàn đồng/tháng. "Có những hộ vay duy trì gửi tiết kiệm nhiều năm, đến kỳ trả nợ gốc đã tiết kiệm được hàng chục triệu đồng".
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Nhượng, để có được số tiền tiết kiệm như vậy không hề dễ dàng, các thành viên trong các tổ có hoàn cảnh không giống nhau, trong đó có những gia đình rất khó khăn. Tuy nhiên, Ban Quản lý các Tổ không ngừng tuyên truyền, vận động bà con tham gia "tích tiểu thành đại", gia đình nào dư dả chút thì đóng nhiều, hộ khó khăn hơn thì mức đóng ít lại. Điều quan trọng hơn là để các hộ vay dần hình thành ý thức tích lũy, có điều kiện tích góp để trả nợ, giảm gánh nặng khi đến thời hạn hoàn trả vốn vay", bà Loan chia sẻ.
Với 349 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, trong tháng 4/2024, huyện Giồng Trôm có tỷ lệ hộ dân gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã đạt 82,74%. Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Giồng Trôm Nguyễn Thanh Phong nói, việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn mang lại lợi ích kép. Qua đó, tạo thêm nguồn vốn bổ sung, hỗ trợ đắc lực cho các đối tượng thụ hưởng chính sách để sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, gửi tiết kiệm cũng là cách giúp người nghèo, đối tượng chính sách tích góp, tạo lập nguồn vốn, thực hiện tốt kế hoạch trả nợ, thậm chí có thêm vốn để mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Giồng Trôm giải thích, do đặc thù các tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập theo cụm dân cư, tổ nhân dân tự quản liền kề nên biết rõ nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, tích cực hướng dẫn hồ sơ vay, tổ chức họp bình xét cho vay công khai, dân chủ. Đồng thời có sự giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay; đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả, chấp hành nguyên tắc có vay có trả; phối hợp với Ngân hành chính sách xã hội xử lý nợ quá hạn, lãi tồn, nợ bị rủi ro, hộ vay bỏ địa phương. Bên cạnh đó, tổ tiết kiệm và vay vốn còn giữ vai trò nòng cốt tích cực vận động hộ vay tiết kiệm chi tiêu, hình thành thói quen gửi tiết kiệm, tạo nguồn vốn tích lũy, trả nợ cho gia đình, giảm tỷ lệ nợ bị rủi ro, nợ quá hạn,…
Bà Trần Lam Thùy Dương, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre đánh giá, tín dụng chính sách xã hội là chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành một "điểm sáng" và là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước trong tiến trình đổi mới. Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, với phương thức cho vay đặc thù là ủy thác qua các tổ chức chính trị-xã hội, ủy nhiệm qua các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, giao dịch tại xã vào ngày cố định hằng tháng nên các chương trình tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại các xã vùng sâu, vùng xa, giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Đặc biệt, các chương trình tín dụng này là công cụ của chính quyền địa phương giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác nâng cao đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Đến ngày 30/4/2024, Chi nhánh đã thực hiện 14 chương trình tín dụng ưu đãi, dư nợ đạt 4.228,6 tỷ đồng, với 114.857 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã lan tỏa đến 100% ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Theo bà Trần Lam Thùy Dương, với phương thức cho vay đặc thù là cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), ủy nhiệm qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn, giao dịch với đối tượng chính sách tại Điểm giao dịch xã, đã đưa hoạt động của Ngân hàng đến được chính quyền địa phương, phục vụ đối tượng chính sách hiệu quả hơn. Đến nay, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị-xã hội trên 4.181,4 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã xây dựng 157 điểm giao dịch tại cấp xã, thành lập 2.887 tổ Tiết kiệm và vay vốn, có nhiệm vụ kết nối hội viên góp phần tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng thời hạn,... góp phần hạn chế tín dụng đen.
Chương Đài – Phúc Hậu