Bể lớn chứa nước sinh hoạt được Nhà nước đầu tư xây dựng để phục vụ bà con bản tái định cư Phiêng Phai bị hư hỏng và xuống cấp. Ảnh: Công Tuyên – TTXVN |
Thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc di dời các hộ dân sang các vùng tái định cư mới để thực hiện các dự án thủy điện, huyện biên giới Sìn Hồ có hơn 2.400 hộ với trên 12.000 khẩu, ở 49 bản thuộc 9 xã phải di dời về 27 điểm tái định cư, riêng xã Pa Khóa có 5/7 bản tái định cư. Hơn 10 năm về nơi ở mới, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Pa Khóa hiện nay vẫn chiếm đến trên 55%, trong đó đặc biệt là bản Phiêng Phai có 94 hộ thì có đến 70 hộ nghèo (chiếm 74%).
Ông Lò Văn Chung, Bí thư Chi bộ bản Phiêng Phai, xã Pa Khóa cho biết, từ khi chuyển về nơi ở mới, mặc dù được Nhà nước quan đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt, trường học…, nhưng các công trình này hầu như không phát huy tác dụng. Cả bản được đầu tư xây dựng 8 bể lớn chứa nước sinh hoạt để phục vụ bà con, nhưng nước không dẫn được vào tới nơi, hiện công trình nước đang bị hư hỏng và xuống cấp. Mặc dù đường nước đã được sửa chữa một lần nhưng cũng chỉ có hơn chục hộ được sử dụng, còn lại bà con trong bản phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để đào, khoan giếng để lấy nước sinh hoạt. Ông Lò Văn Chung cho biết thêm, Trường mầm non trong bản cũng đang bỏ hoang và xuống cấp nghiêm trọng, vì thiếu nước sinh hoạt nên các cháu phải chuyển lên trường ở trung tâm xã để học.
Thu nhập chính của bà con ở bản Phiêng Phai chủ yếu dựa vào nông nghiệp như trồng lúa, trồng ngô. Vì thế, thiếu nước, thiếu đất sản xuất đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của bà con nơi đây. Do ít đất lại không có nước tưới tiêu, chỉ làm được một vụ nhờ “nước trời” nên nhiều hộ đã phải quay về nơi ở cũ để làm ăn sinh sống. “Người dân trong diện đói nghèo nhiều, do không có đất hoặc có đất nhưng không có nước sản xuất. Hàng năm, số hộ đói giáp hạt được nhận gạo cứu trợ của Nhà nước trong bản là trên 30 hộ”, Ông Lò Văn Chung cho biết.
Đánh giá về đời sống kinh tế của 5 bản tái định cư của xã, ông Tẩn A Lành, Bí thư Đảng ủy xã Pa Khóa, cho rằng, ngoài bản Phiêng Phai đời sống kinh tế của bà còn khó khăn, 4 bản còn lại thì tương đối ổn định. Vì bà con 4 bản này ngoài trồng lúa, trồng ngô ra còn lợi dụng lòng hồ thủy điện Sơn La để đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, người dân chỉ tập trung đánh bắt mà không nuôi trồng thì cũng không bền vững.
Trường học mầm non khu tái định cư bản Phiêng Phai, xã Pa Khóa vị bỏ hoang và xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Công Tuyên – TTXVN |
Ông Lành chia sẻ: “Cái lợi nhất của tái định cư là cơ sở vật chất tốt hơn, dân sống tập trung hơn, đầu tư hệ thống công trình phúc lợi xã hội của Nhà nước tiện hơn. Bộ mặt thay đổi, chất lượng cuộc sống người dân có nâng lên nhưng không nhiều".
Đề cập đến vấn đề trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền xã có giải pháp để giúp bà con tái định cư vươn lên thoát nghèo, ông Tẩn A Lành cho biết, lãnh đạo xã cũng đang xem xét huy động bà con trồng thêm cây nghệ, cây quế tăng thêm thu nhập. Đồng thời, đề nghị Nhà nước, các cấp chính quyền quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống cung cấp nước phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ cây giống, phân bón, hỗ trợ vốn…, giúp bà con có thể khai hoang thêm, trồng hai vụ lúa một vụ ngô để ổn định cuộc sống.
Với trình độ dân trí không đồng đều, đời sống kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, việc chăn nuôi, trồng trọt của bà con ở xã Pa Khóa vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Việc định hướng cho bà con trồng cây gì, nuôi con gì có hiệu quả kinh tế cao, để giúp bà con tái định cư vươn lên thoát nghèo là rất cần thiết. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của bà con, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tìm tòi, đưa ra những giải pháp sát thực, hiệu quả để giúp bà con tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Công Tuyên