Ngày 28/11, tại thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, Hiệp hội Sắn Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị Giải pháp phát triển bền vững cây sắn và liên kết tiêu thụ giữa nhà máy với người trồng sắn tỉnh Tây Ninh. Hội nghị nhằm đưa ra những giải pháp giảm thiểu nguy cơ tác động đến ngành sản xuất, chế biến sắn và phát triển bền vững cây sắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, Tây Ninh được xem là thủ phủ của cây sắn, với diện tích trồng sắn là 60.750 ha. Tuy nhiên, sản xuất và chế biến sắn của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: chưa có sự liên kết giữa sản xuất và chế biến; chưa hình thành cơ chế chính sách liên kết vùng; chưa đảm bảo nguồn nguyên liệu sắn để đáp ứng tốt cho nhu cầu chế biến. Các cơ sở chế biến vẫn đang hoạt động với trình độ công nghệ sản xuất lạc hậu do còn hạn chế về mặt tài chính; đa dạng sản phẩm sau chế biến còn thấp mà chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô; chưa xây dựng thương hiệu sản phẩm và đa dạng thị trường xuất khẩu tinh bột, phần lớn còn phụ thuộc vào các kênh phân phối gián tiếp.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh Tây Ninh có diện tích trồng sắn đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Gia Lai) nhưng năng suất cao nhất. Năng suất bình quân của cây sắn hiện nay khoảng từ 30 - 32 tấn/ha. Tây Ninh định hướng không tăng thêm diện tích trồng sắn mà tập trung vào tăng năng suất của cây sắn (lên khoảng trên 40 tấn/ha), đồng thời tăng năng suất chế biến, đẩy mạnh chế biến sản phẩm sâu sau tinh bột.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, thời gian gần đây, ngành hàng sắn Tây Ninh đã xảy ra nhiều bất cập, liên quan đến chất lượng củ sắn tươi nhập vào nhà máy, vấn đề liên quan đến giá mua, giá bán, tiêu chuẩn môi trường… làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng sắn Tây Ninh. Qua hội nghị này, ngành nông nghiệp mong muốn tìm ra các cơ chế để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, giúp cho ngành hàng sắn Tây Ninh phát triển bền vững trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Khuê, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Định Khuê cho rằng cần có sự thống nhất liên kết giữa nông dân trồng sắn và các doanh nghiệp sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh để có sự thống nhất từ khâu trồng trọt, thu hoạch và chế biến, từ đó đảm bảo hài hòa lợi ích trong ngành. Mong rằng ngành hàng sắn cả nước thống nhất chung được giá tinh bột đầu ra để tránh bị thương lái nước ngoài ép giá.
Ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, ngành hàng sắn tỉnh Tây Ninh đang đứng trước nguy cơ mất cân đối; trong đó công suất chế biến và khả năng đảm bảo nguyên liệu chưa đảm bảo. Sản lượng bình quân củ sắn tươi hàng năm tại tỉnh Tây Ninh đạt 2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nhu cầu cho sản xuất lại cần tới 6,3 triệu tấn/năm. Đây là nguy cơ dẫn đến các hệ lụy khác làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng sắn. Do đó, để ngành hàng sắn phát triển bền vững cần tái cơ cấu lại toàn ngành hàng, xác định rõ mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2050 với đạt kim ngạch xuất khẩu từ 2,5 - 3 tỷ USD, đồng thời nâng cao chế biến sâu tạo giá trị tăng lên cho cây sắn.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Xuân, thời gian tới ngành hàng sắn tỉnh Tây Ninh sẽ cùng với Hiệp hội Sắn Việt Nam giải quyết một số vấn đề chung của các doanh nghiệp sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh về tiêu chuẩn môi trường, vấn đề hợp tác giữa Việt nam và các quốc gia liên quan đến việc thông quan và xuất khẩu cây sắn giống và tinh bột sắn.
Tỉnh Tây Ninh sẽ thành lập Hội quán về cây sắn để họp mặt định kỳ, cùng nhau bàn bạc, hợp tác, giải quyết các vấn đề phát sinh của ngành hàng sắn trong tỉnh và sẽ đưa ra cơ chế để chống gian lận thương mại, xây dựng cơ chế liên kết để người nông dân ký kết hợp tác với nhà máy, đảm bảo quyền lợi giữa các bên. Đồng thời, xúc tiến thí điểm thành lập quỹ bình ổn giá sắn tại tỉnh Tây Ninh, cấp mã vùng trồng và mã chế biến đối với cây sắn phục vụ xuất khẩu; thành lập đoàn kiểm tra về vấn đề gian lận thương mại trong mua bán củ sắn tươi; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sắn giống, nhằm nâng cao năng suất và phát triển bền vững ngành sắn tại tỉnh Tây Ninh.Minh Phú