Xe chở đất đá tạo ra khói bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân lưu hành trên đường phố. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN |
Xác định những nhóm nguyên nhân chính Đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hiện nay tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu tham dự cuộc họp đều cho rằng: Những nhóm nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí là do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết cực đoan. Nguyên nhân chủ quan là từ khí thải của các phương tiện giao thông tập trung cao tại các khu đô thị. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ đầu quý 4/2019 đến nay, số xe đăng ký mới lên tới 84.000 phương tiện, nâng tổng số phương tiện đang quản lý trên 6.878.000 phương tiện, chưa kể các phương tiện của Công an, Quân đội và phương tiện từ tỉnh khác về. Còn Thành phố Hồ Chí Minh hiện cũng có tới 7,5 triệu xe máy… Mặt khác, do một số bộ phận người dân sử dụng than tổ ong, hoạt động đốt rơm rạ; việc phá dỡ công trình xây dựng cũ để xây dựng mới, vận chuyển vật liệu đang biến thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thành “đại công trường xây dựng”; khói bụi từ cơ sở sản xuất trên địa bàn và các tỉnh lân cận... Do đó, từ đầu năm 2019 đến nay riêng trên địa bàn Hà Nội xuất hiện 6 đợt kéo dài không khí có chất lượng ở mức kém, xấu và rất xấu. Trong đó cao điểm là từ ngày 8-14/12, chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu. Giá trị trung bình của bụi mịn PM2.5 liên tục vượt quá giới hạn cho phép ở tất cả các trạm quan trắc không khí trên địa bàn.Giải pháp trước mắt và lâu dài Qua những ý kiến đánh giá về tình trạng ô nhiễm và nguyên nhân gây ô nhiễm thời gian vừa qua từ đại diện của UBND Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Từ số liệu từ các trạm quan trắc ở thành phố Hà Nội, trạm quan trắc quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, và trạm quan trắc của hai Đại sứ quán (Thành phố Hồ Chí Minh chưa có trạm quan trắc, phải đo tự động hai ngày một lần), từ năm 2013-2019, các thành phần quan trắc, trừ bụi mịn thì các thông số khác như SO2, CO… vẫn trong quy chuẩn cho phép, có những lúc chạm ngưỡng quy chuẩn, song không bị vượt quy chuẩn, thậm chí đối với thông số bụi hại cỡ lớn có thời điểm có xu hướng giảm. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất những giải pháp giải quyết thực trạng hiện nay, để Thủ tướng Chính phủ có những chỉ đạo kịp thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng tham gia giải quyết. Trong đó tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trước mắt, đó là tăng cường và duy trì công tác quan trắc chất lượng môi trường không khí không chỉ ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn ở các thành phố lớn để từ đó đánh giá chính xác chất lượng môi trường không khí, công bố công khai cho người dân được biết. Nếu chất lượng môi trường không khí chạm hoặc vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép, phải có thông báo trên các phương tiện thông tin để người dân nắm được và khuyến cáo có những biện pháp bảo vệ thích hợp. Cùng với việc quan trắc, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm là khói bụi từ các phương tiện giao thông. Vì vậy, đề nghị trong những ngày chất lượng môi trường không khí có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân thì chính quyền, UBND thành phố cần có các biện pháp cụ thể như phun nước, điều tiết các luồng giao thông và cảnh báo các phương tiện cá nhân tham gia giao thông không được đi vào những khu đông dân cư, chỉ ưu tiên các phương tiện giao thông công cộng; các phương tiện giao thông đi qua hai thành phố lớn trước khi vào cần phân luồng và có các biện pháp loại bỏ bụi bẩn… Về hoạt động xây dựng tại khu vực nội thành, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sau cuộc họp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng để đưa ra những văn bản quy định bảo vệ môi trường để giải thiểu vấn đề ô nhiễm không khí do xây dựng gây ra. Đề nghị UBND các thành phố cần có những chính sách hỗ trợ người dân để hạn chế sử dụng bếp than tổ ong, mục tiêu đến năm 2021 Hà Nội không sử dụng loại này trong sinh hoạt hàng ngày; hỗ trợ nông dân sau thu hoạch để không đốt rơm rạ; kiểm tra và giám sát những khu vực đốt rác thải, chất thải… Về lâu dài, cần đẩy nhanh lộ trình đưa ra quy chuẩn đối với khí thải giao thông. Đối với các phương tiện giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần phải cao hơn các địa phương khác và phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Đồng thời, đầu tư cho các phương tiện giao thông công cộng chạy bằng năng lượng tái tạo để giữ cho môi trường trong sạch. Cần có lộ trình để tái cấu trúc lại một số ngành sử dụng năng lượng hóa thạch, quy hoạch lại điện năng để đưa năng lượng tái tạo, điện khí thay thế các nguồn năng lượng cũ theo đúng với xu hướng thế giới hiện nay. Mặt khác, phải giải quyết hài hòa vấn đề quy hoạch, phát triển, đầu tư, xây dựng… Bên cạnh phát triển cơ sở hạ tầng nên giữ lại những khu vực sinh thái có cây xanh, hồ điều hòa… để môi trường có thể cân bằng hài hòa. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa để thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1.6.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. “Đây là vấn đề Chính phủ đã nhìn nhận ra từ trước đó và đã có chỉ đạo kịp thời. Nếu tất cả cùng quyết liệt triển khai thì vấn đề chất lượng môi trường không khí sẽ kiểm soát và giải quyết được thực trạng hiện nay” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Văn Hào