Một tuyến đường giao thông ở xã Tân Phong (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) do người dân đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng. Ảnh: tiengiang.gov.vn |
Thực tế rà soát toàn tỉnh cho thấy, 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới đợt đầu tiên không còn đảm bảo 19/19 tiêu chí, trong đó hai xã chưa đạt tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật do có cán bộ, công chức xã bị kỷ luật; 21 xã chưa đạt về chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; một xã chưa đạt tiêu chí sản xuất do chưa có hợp tác xã theo quy định.
Trước tình hình trên, trong các tháng còn lại của năm 2019, tỉnh Tiền Giang chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy mạnh tiến độ xây dựng và được công nhận xã nông thôn mới gắn với nâng chất các xã đã được công nhận trước đây. Trong đó, tỉnh quán triệt trong hệ thống chính trị là xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc; xây dựng nông thôn mới được thực hiện liên tục gắn với hoạt động lãnh đạo, điều hành của toàn bộ hệ thống chính trị tại các địa phương hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, gia tăng sự hài lòng của nhân dân, tạo đồng thuận về chương trình xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh Tiền Giang giao chỉ tiêu cụ thể cho từng sở, ngành có kế hoạch hỗ trợ các địa phương tăng cường hoàn thiện các tiêu chí và ra mắt xã nông thôn mới theo lộ trình được duyệt. Các xã đạt chuẩn nông thôn mới rà soát, củng cố, nâng chất tiêu chí còn yếu hoặc chưa đạt, đồng thời đưa nội dung xây dựng nông thôn mới vào nhiệm vụ điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, ngành từng năm, trong đó kiên quyết không xét thi đua cuối năm đối với xã không duy trì đủ 100% tiêu chí về nông thôn mới.
Tiền Giang hướng các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiến tới được công nhận đạt xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu nhằm đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương lên một tầm cao mới.
Đến nay, Tiền Giang có 64/144 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, 24 xã được công nhận đạt chuẩn theo tiêu chí cũ và 40 xã được công nhận theo tiêu chí mới về xã nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020.
Ở thời điểm đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới, kết cấu hạ tầng tại các xã đều được đầu tư đạt chuẩn. Mặt khác, việc hình thành các hợp tác xã và tổ hợp tác tại xã nông thôn mới cũng tạo điều kiện để tổ chức lại sản xuất, tiến tới hình thành các liên kết sản xuất chặt chẽ theo chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra cho nông sản. Đây cũng là điều kiện để nâng cao thu nhập cho nông dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại các xã nông thôn mới đang phát huy hiệu quả như: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè liên kết với Công ty Lương thực Tiền Giang tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho xã viên trên diện tích 200 ha/vụ; Hợp tác xã Mỹ Tịnh An, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo mỗi năm liên kết tiêu thụ cho hộ xã viên từ 1.000 - 1.500 tấn thanh long xuất khẩu; các Hợp tác xã rau an toàn xã Long Hòa, Tân Đông (thị xã Gò Công) ký kết hợp đồng tiêu thụ rau an toàn ổn định, lâu dài với các siêu thị, nhà hàng, chợ đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh…
Minh Trí