Ông Trần Văn Hiền chăm sóc vườn cây đang cho thu hoạch. Ảnh baoapbac.vn |
Góp sức vào chiến thắng đó có những người lính giao liên xã Cẩm Sơn giai đoạn 1968 - 1972, thời kỳ ác liệt nhất một thời đã qua, điển hình là ông Trần Văn Hiền ở ấp 4, xã Cẩm Sơn. Ông Trần Văn Hiền sinh năm 1953, năm 15 tuổi ông bắt đầu tham gia làm công tác giao liên tại địa phương, chuyên đưa đón cán bộ, đưa thư, công văn, giấy tờ cũng như đảm bảo liên lạc thông suốt trên địa bàn phục vụ cách mạng. Năm 1972, ông được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ làm Trưởng ban giao liên xã. Vào khoảng tháng 6/1972, ông bị thương khi tham gia chống càn cùng lực lượng du kích xã và bộ đội địa phương. Ông được công nhận là thương binh hạng 4/4.
Hòa bình lập lại, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Trần Văn Hiền ra sức lao động sản xuất, nêu gương cho con cháu và bà con ở khu dân cư. Tại xã Cẩm Sơn, gia đình ông có 7.000 m2 đất vườn tạp nằm kề bên con sông Ba Rày, phần đất này từng bị bom đạn tàn phá hết sức nặng nề.
Để phát triển sản xuất, ông san lấp hố bom, hố pháo, tu sửa kênh mương tưới tiêu, qui hoạch lại vườn để trồng cây ăn quả đặc sản. Đây là hướng đi đúng được Đảng và Nhà nước khuyến khích. Sau trận lũ lịch sử năm 2000, tỉnh và huyện hỗ trợ xã Cầm Sơn hoàn thiện mạng lưới đê bao ngăn lũ bảo vệ sản xuất, tạo điều kiện phát triển vườn cây ăn quả chuyên canh. Trước thời cơ thuận lợi, ông Trần Văn Hiền đầu tư chuyển đổi 7.000 m2 đất vườn tạp, kém hiệu quả sang trồng sầu riêng Ri 6 và Mong Thong - các giống sầu riêng đặc sản, chất lượng cao dưới dạng chuyên canh.
Ông Hiền cho biết, trung bình 1 công đất (1.000 m2) trồng được 20 cây sầu riêng, 7.000 m2 đất vườn, ông trồng được 140 gốc sầu riêng. Sau 6 năm, sầu riêng đã cho năng suất ổn định, từ 15 tấn đến 20 tấn/ ha. Ông áp dụng đồng bộ các giải pháp thâm canh, đặc biệt là xử lý cho trái rải vụ để tránh thời điểm chính vụ hàng năm thường lâm vào tình trạng “trúng mùa, mất giá”. Theo ông Trần Văn Hiền, trung bình mỗi năm, vườn sầu riêng chuyên canh cho thu hoạch gần 10 tấn quả. Bán với giá khoảng 40.000 đồng/kg, ông thu gần 400 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 300 triệu đồng. Nhờ vườn sầu riêng chuyên canh, thương binh Trần Văn Hiền đã có cuộc sống ổn định, xây dựng nhà cửa khang trang ngay trên mảnh đất vốn là chiến trường ác liệt. Đời sống nâng lên, thương binh Trần Văn Hiền có điều kiện đóng góp xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là kiện toàn giao thông nông thôn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo nông thôn giàu đẹp, hiện đại. Với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh ấp 4, xã Cẩm Sơn, ông Hiền tích cực vận động hội viên cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Ông tham gia vận động bắc cầu dân sinh qua kênh Thanh Niên (ấp 4, Cẩm Sơn), tổng kinh phí 10 triệu đồng; vận động hiến đất làm tuyến đường rạch Cua Đồng dài 1.300 m, bề rộng mặt đường 3,5 m theo chuẩn nông thôn mới. Ông đóng góp hàng chục ngày công, hơn 1 triệu đồng để thi công hai công trình giao thông trọng điểm của ấp 4 kể trên. Ông còn hiến 60 m2 đất để làm đường dân sinh ngang qua phần đất nhà ông, phục vụ việc đi lại của bà con trên địa bàn ấp 4.
Ông Nguyễn Văn Kiệp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Sơn đánh giá cao vai trò của ông Trần Văn Hiền trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể, hiệu quả. Ông Hiền là tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Út, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết, đến tháng 7/2017, xã Cẩm Sơn đã đạt 15/19 tiêu chí về nông thôn mới. Năm 2017, Tiền Giang tiến tới kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ba Rày (15/9/1967 - 15/9/2017), xã Cẩm Sơn phát động phong trào thi đua lập thành tích hoàn thành 100% tiêu chí và ra mắt xã nông thôn mới, về trước 3 năm theo lộ trình đề ra. Ông Út tin tưởng, với những điển hình tiên tiến như ông Trần Văn Hiền, Cẩm Sơn sẽ nhanh chóng hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới, xứng đáng với truyền thống xã từng được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước./.
Minh Trí