Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Ea súp: Bộn bề khó khăn

Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Ea súp: Bộn bề khó khăn

Tiêu chí môi trường gồm 5 chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế, tất cả các địa phương trong huyện đều gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Điều đáng nói là xét riêng từng chỉ tiêu thì chỉ có 6/9 xã đạt chỉ tiêu sử dụng nước hợp vệ sinh, còn lại các chỉ tiêu khác thì chưa có xã nào đạt. Trong khi đó, để thực hiện tiêu chí này, UBND huyện đã hỗ trợ các xã Ea Bung, Ea Lê, Ea Rốk, Cư M’lan mỗi địa phương 40 triệu đồng để đào hố rác và 1 chiếc xe công nông chuyên chở rác thải. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có xã nào triển khai thực hiện mô hình thu gom rác thải.

Một đoạn đường trên địa bàn xã Cư K’bang lầy lội vào mùa mưa.
Một đoạn đường trên địa bàn xã Cư K’bang lầy lội vào mùa mưa.

Đơn cử như ở xã Cư M’lan, mặc dù bãi rác của huyện nằm trên địa bàn xã và địa phương cũng đã được cấp xe chuyên chở rác đi xử lý nhưng vẫn chưa thể thành lập tổ thu gom. Trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Xuân Hà (Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư M’lan) được biết, cái khó của địa phương vẫn là vận động nhân dân tham gia vào mô hình xã hội hóa công tác thu gom rác thải bởi hầu hết các hộ dân đều xử lý rác sinh hoạt của gia đình bằng cách chôn lấp hoặc đốt trong đất vườn, trên nương rẫy nên không mấy ai mặn mà trong việc đóng tiền thu gom rác hằng tháng. Hay như ở Cư Kbang, mặc dù là xã điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện, nhưng đến nay cũng chỉ mới đạt 3/19 tiêu chí (quy hoạch, y tế, an ninh trật tự xã hội). Riêng môi trường được xác định là tiêu chí khó thực hiện nên địa phương đã huy động các tổ chức, hội đoàn thể tích cực vận động, tuyên truyền để nhân dân hiểu và thực hiện. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thành lập được tổ thu gom rác thải. Ông Đàm Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cư Kbang bày tỏ: Xã đã quy hoạch bãi rác tập trung, nhân dân cũng rất nhiệt tình ủng hộ để xây dựng mô hình thu gom rác nhưng vẫn chưa thực hiện được vì thiếu kinh phí; đã quy hoạch nghĩa trang nhưng chưa xây dựng theo kiểu dáng, kích thước, chưa có nhân lực quản lý theo quy định; hiện nay xã chỉ mới đạt chỉ tiêu về số hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh (85%). Đồng thời, một bộ phân người dân vẫn còn tập quán sản xuất, sinh hoạt lạc hậu nên vẫn còn tình trạng chăn nuôi thả rông, chuồng trại xây dựng bên cạnh nhà ở khiến môi trường ô nhiễm.

Một trong những bất cập phổ biến đã và đang diễn ra ở các vùng nông thôn, đặc biệt là các xã trên địa bàn huyện Ea Súp nữa là hệ thống thoát nước thải tại khu vực nông thôn chưa được chú trọng đầu tư. Do vậy, hầu hết nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp đều đổ trực tiếp ra môi trường, ngấm vào đất hoặc chảy vào ao, hồ, sông, suối... Hơn nữa, việc quy hoạch và xây dựng chợ tại nhiều địa phương không gắn với việc xử lý rác thải. Sau mỗi phiên chợ, rác do người dân vứt bừa bãi ven đường hoặc tràn xuống các sông suối. Điều này vừa gây mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, chỉ tiêu về không có các hoạt động suy giảm môi trường và có hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp thì hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều chưa đạt bởi tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ, săn bắn động vật trái phép... vẫn còn diễn ra. Đặc biệt, trong tiêu chí môi trường đòi hỏi các địa phương phải tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp; phát động các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, nhưng thực tế cho thấy hầu hết các tuyến đường trên địa bàn huyện đều trong cảnh hư hỏng, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng bụi mù, tác động không nhỏ đến cảnh quan môi trường.

Ông Trần Văn Long (Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp) cho biết, việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường tại các xã trên địa bàn đang gặp nhiều trở ngại: thiếu nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình và nhận thức, ý thức chấp hành của một bộ phận cán bộ công chức, người dân còn hạn chế. Chung quy lại cũng do kinh tế địa phương còn nghèo, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; nếu không có sự đầu tư, vào cuộc của các ngành chức năng thì tiêu chí môi trường vẫn khó có thể hoàn thành… Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là tiêu chí môi trường rất khó thực hiện bởi tập quán lạc hậu đã ăn sâu bám rễ trong tâm lý, đời sống sinh hoạt hằng ngày của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, như nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà, chôn cất người chết nơi đầu nguồn nước; không có nhà tiêu hoặc có nhưng không hợp vệ sinh, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng xong vứt bừa bãi… Do đó, để tiêu chí môi trường sớm về đích, ngoài việc đầu tư kinh phí, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến nhân dân để thay đổi tập quán; có chính sách khuyến khích xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động cải tạo và bảo vệ môi trường.

Có thể bạn quan tâm