Ngày 12/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội thảo quốc gia “Kinh tế số - tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam”.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định, nền kinh tế số đang hiện diện, thay đổi hàng ngày với tốc độ đáng kinh ngạc và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện trên phạm vi toàn thế giới. Quá trình này đem lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng cũng tạo ra không ít rủi ro, thách thức. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan của Chính phủ, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ, hợp tác nhằm gia tăng đổi mới sáng tạo, tìm ra các mô hình mới, giải pháp mới thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số hiệu quả nhất.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 29/7/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó phát triển kinh tế số là một vấn đề cốt lõi. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi nền kinh tế số còn những hạn chế, còn thói quen sử dụng phương thức kinh tế, trao đổi và quản lý cũ.
Để thúc đẩy kinh tế số, đòi hỏi sự thay đổi từ cả ba phía, trong đó cơ quan quản lý nhà nước phải đổi mới quản lý theo hướng chuyển đổi số, đảm bảo sự liên thông của các cơ quan quản lý khi tham gia quản lý một vấn đề; người công chức phải thay đổi tư duy; người dân tự nâng cao trình độ, thích ứng với sự phát triển công nghệ, chuyển đổi số.
Theo Vụ Công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương), kinh tế số dựa trên công nghệ thông tin kết nối, công nghệ thông minh cho phép các hoạt động kinh tế hiện đại trở nên linh hoạt, năng động, sáng tạo hơn trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng năng suất, tối ưu hóa cơ cấu kinh tế. Vì vậy, kinh tế số đang mang lại cả cơ hội và thách thức cho tăng trưởng toàn cầu.
Giai đoạn 2020-2025, có 6 nền kinh tế số lớn trong khu vực Đông Nam Á tiếp tục phát triển mạnh, trong đó Việt Nam có tiềm năng lớn trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực. Theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu, kinh tế số của Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh, nhiều triển vọng so với khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, kinh tế số của Việt Nam đang có những rào cản lớn, như hạ tầng cho kinh tế số phát triển chưa đồng bộ, hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp, hạ tầng kết nối số và năng lực kết nối vẫn còn hạn chế. Hệ thống thể chế chưa tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế số.
Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số. Năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp số còn yếu, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chưa đồng bộ, hoạt động kém hiệu quả.
Nhận định kinh tế số Việt Nam có những triển vọng phát triển, các chuyên gia cho rằng các cơ quan quản lý cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp, như: thực hiện chuyển đổi hạ tầng viễn thông sang hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng băng rộng quốc gia, hạ tầng điện toán đám mây, quản trị dữ liệu quốc gia, hạ tầng dịch vụ định danh và xác thực điện tử tin cậy; tạo thể chế cho các thử nghiệm mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng số; tăng cường hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử.
Đồng thời, các cơ quan quản lý cần tăng số nhân lực ngành công nghệ thông tin bằng cách mở các ngành đào tạo mới; khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghệ nền tảng số; củng cố, tăng cường hoạt động Chính phủ điện tử theo hướng nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, lấy người dùng làm trung tâm, thay đổi hoạt động, quy trình xử lý công việc.../.
T.Hoài