Ngày 24/7, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ ra mắt Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (Cổng PayGov).
Đây là nền tảng được Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) xây dựng theo đề xuất của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm hỗ trợ các giải pháp thanh toán và quy trình nghiệp vụ thanh, quyết toán cho Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia.
PayGov là cổng hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến quốc gia (có địa chỉ tên miền là https://www.pay.gov.vn) thực hiện chức năng tạo lập nền tảng hỗ trợ cho các cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương. Nền tảng này có thể tích hợp các phần mềm có chức năng thanh toán do các đơn vị trung gian thanh toán cung cấp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tiếp các khoản phí, lệ phí với các cơ quan chính phủ.
Kết nối thanh toán điện tử toàn quốc
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, đầu năm 2020, Chính phủ đã giao Bộ chủ trì xây dựng, triển khai hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc. Đây được coi là một trong những giải pháp chủ yếu nhằm tháo gỡ nút thắt trong việc thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Việc xây dựng hệ thống PayGov nhằm thực hiện nhiệm vụ trên.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, hệ thống PayGov không làm chức năng thanh toán, chỉ thực hiện việc tạo lập nền tảng hỗ trợ cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa kết nối hệ thống thanh toán trung gian. Hệ thống tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tra cứu tìm kiếm, thanh toán mọi lúc mọi nơi, đảm bảo thuận tiện. Nền tảng này giúp các cơ quan cung cấp dịch vụ công kết nối với mọi hệ thống thanh toán trung gian, thực hiện kiểm tra đối soát và quyết toán thống nhất trên toàn quốc.
Cổng PayGov góp phần hiện thực hóa mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" là: Đến năm 2025, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; đến năm 2030 tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.
Để hệ thống PayGov sớm mang lại nhiều tiện lợi, tính năng, nâng cao chất lượng dịch vụ công, tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện kết nối cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương với hệ thống PayGov để bảo đảm sự đa dạng hóa kênh thanh toán, thuận tiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Cục Tin học hóa cần lưu ý việc xây dựng, phát triển vận hành PayGov nhằm đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ thanh toán trực tuyến, dịch vụ công tại Việt Nam; chủ động nghiên cứu với đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, các ngân hàng, các cơ quan có thẩm quyền để ban hành chính sách về phí, giá sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến, tháo gỡ vướng mắc để triển khai thực tiễn thanh toán đối với các dịch vụ hành chính công, hướng tới tạo lập sự bền vững cho dịch vụ này tại Việt Nam.
Một giao diện, nhiều kết nối
Ông Nguyễn Quang Hưng (Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam NAPAS) chia sẻ: Cổng PayGov kết nối 9 trung gian thanh toán, trong đó có Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) hiện có hơn 100 triệu khách hàng sử dụng thẻ nội địa và tài khoản thanh toán của tất cả các ngân hàng Việt Nam, có thể dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên phạm vi 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương chỉ cần kết nối với PayGov, với một giao diện thống nhất là có thể sử dụng các tiện ích của tất cả các trung gian thanh toán. Các trung giang thanh toán sau khi kết nối với PayGov có thể tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho tất cả các bộ, ngành, địa phương. Khi thực hiện kết nối thống nhất trên một giao diện và kết nối với kho bạc, việc tra soát, đối soát, quyết toán sẽ được thực hiện tự động giữa các bên liên quan. Đồng thời, với khả năng mở rộng, PayGov không chỉ đáp ứng nhu cầu thanh toán cho dịch vụ công trực tuyến, còn có thể mở rộng đáp ứng cho nhu cầu thanh toán của người dân đối với dịch vụ, tiện ích khác, như y tế, giáo dục, điện, nước…
Cổng PayGov chính thức ra mắt và vận hành là sự kiện khẳng định vai trò dẫn dẫn, thúc đẩy phát triển dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp công cụ hỗ trợ thanh toán dịch vụ công thuận lợi, minh bạch, tin cậy. Đây cũng là tiền đề quan trọng để thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.
Ngọc Bích