Ngày 30/5, tại Phân hiệu Vĩnh Long, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức Lễ khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Giám đốc Phân hiệu Vĩnh Long cho biết, Trung tâm có sứ mệnh lan tỏa tri thức, truyền cảm hứng, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại khu vực miền Tây Nam Bộ, đồng thời nuôi dưỡng và phát triển các dự án khởi nghiệp tiềm năng.
Trung tâm tập trung vào các nhiệm vụ chính: Nghiên cứu, cố vấn, đào tạo về đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, thương mại hóa sản phẩm cho các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại khu vực; lan tỏa tri thức về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, công nghệ và chuyển đổi số vì mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Thạc sĩ Vương Khiết, Giám đốc vườn ươm, Viện Đổi mới sáng tạo UEH, Phụ trách Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, thách thức của việc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là năng lực đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tại khu vực còn hạn chế, chưa tạo ra được nhiều giá trị cho sản phẩm, dịch vụ; chưa khai thác tối đa tiềm năng to lớn từ các sản phẩm đặc thù địa phương, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp; thách thức về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo non trẻ và thiếu sự gắn kết, thiếu đội ngũ chuyên gia, cố vấn; chưa tạo tác động sâu rộng không chỉ đến học sinh, sinh viên, mà còn là thanh niên nông thôn, phụ nữ và nông dân.
Giai đoạn 2024 – 2025, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long tập trung xây dựng và thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo cho các địa phương trong khu vực, thông qua các hoạt động nghiên cứu, cố vấn chương trình tập huấn chuyên đề, các khóa đào tạo, gắn với nền tảng là bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức các hoạt động về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên, thanh niên nông thôn, gắn với các yếu tố địa phương và thách thức trong phát triển bền vững. Ngoài ra, Trung tâm chú trọng lan tỏa tri thức, kết nối cộng đồng thông quan các hoạt động truyền cảm hứng, có ý nghĩa, đặt nền móng xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long với trọng tâm là các mạng lưới cố vấn dành cho phụ nữ, thanh niên.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang hỗ trợ 12 dự án, công ty khởi nghiệp; 130 giáo viên, giảng viên được chia sẻ phương pháp thiết kế và giảng dạy các nội dung về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 800 sinh viên, học sinh, thanh niên nông thôn được tham gia đào tạo bài bản và truyền cảm hứng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Những dự án khởi nghiệp nổi bật thời gian qua như: Sản xuất các sản phẩm nến thơm thủ công từ các nguyên liệu địa phương đã gọi vốn thành công trong chương trình Shark Tank Việt Nam; Sản xuất bột đạm làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thủy sản, phân bón hữu cơ, đạt Top 10 tại Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long 2023; Sản xuất lạp xưởng cá tra đạt giải Ba Cuộc thi Ý tưởng và Dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2022.
Phạm Minh Tuấn