Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tại tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025

Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tại tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025

Chiều 23/6, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức hội thảo trực tuyến cùng Tập đoàn FPT với chủ đề “Chuyển đổi số - nền tảng phát triển kinh tế - xã hội". Trong khuôn khổ hội thảo, UBND tỉnh Hà Giang và Tập đoàn PFT đã ký thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025. Thỏa thuận được ký kết với mong muốn góp phần đưa Hà Giang trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chuyển đổi số với ba trụ cột: Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số vào năm 2023.

Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tại tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025 ảnh 1Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: “Chuyển đổi số trên cả ba trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số sẽ đóng góp tích cực vào GDP của tỉnh Hà Giang trong thời gian tới. Quá trình chuyển đổi số là một hành trình dài, do vậy, Hà Giang cần tập trung giải quyết một số vấn đề trong chuyển đổi số theo hướng chọn điểm đột phá như: Đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4; chuyển đổi kinh tế số nên đi theo hướng thương mại, dịch vụ, bởi chuyển đổi số du lịch sẽ mang lại trải nghiệm mới cho Hà Giang. Thực hiện xã hội số cần theo hướng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trên điện thoại di động, dạy học trên nền tảng trực tuyến. Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng mọi cơ quan tổ chức trên hành trình này”.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của sự phát triển, vừa tạo cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức. Những năm qua, Hà Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử và đạt được kết quả nổi bật. Mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh (ICT Index) ở mức khá so với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. 80,53% dịch vụ công được thực hiện ở mức độ 4; 100% cơ quan hành chính có trang hoặc cổng thông tin điện tử; 100% văn bản được trao đổi điện tử giữa các cơ quan; 70% văn bản điện tử được ứng dụng chữ ký số; 100% UBND cấp huyện, cấp xã có điểm cầu hội nghị trực tuyến.

Cùng đó, kinh tế số ở Hà Giang bước đầu hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế và dịch vụ, du lịch với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử, góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao chỉ số phát triển con người, thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.

Tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình và các chuyên gia đã chia sẻ về cách tiếp cận chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt nhấn mạnh vào vai trò quan trọng của những người đứng đầu trong chuyển đổi số và đội ngũ thanh niên trong khởi nghiệp, sáng tạo, lực lượng nòng cốt, đi đầu trong chuyển đổi số. Đồng thời chia sẻ phương pháp tiếp cận cho chuyển đổi số cấp tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh chia sẻ, hội thảo lần này sẽ là khởi đầu cho sự chuyển đổi của Hà Giang trong tương lai. Hà Giang mong muốn không bỏ lỡ cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là cơ hội để Hà Giang rút ngắn khoảng cách với các tỉnh, thành phố khác, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân một cách nhanh nhất. Do đó, thỏa thuận hợp tác này rất thiết thực và hy vọng sẽ có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Hà Giang thời gian tới.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Hà Giang đã ký kết với Tập đoàn FPT về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức ký số trực tuyến, vừa đáp ứng được yêu cầu 5K trong phòng chống dịch, vừa thực hiện đúng tinh thần “4 không” của chuyển đổi số, vừa thể hiện tinh thần quyết tâm trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Hà Giang ngay từ những việc làm đầu tiên.

Các nội dung ký kết hợp tác gồm: Tập đoàn FPT tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Giang; phối hợp cùng UBND tỉnh Hà Giang xây dựng chương trình hành động, kế hoạch hành động thực hiện; phối hợp tổ chức nghiên cứu tìm ra những giải pháp thúc đẩy triển khai chuyển đổi số cho tỉnh; tập trung tìm hiểu và hỗ trợ Hà Giang phát triển chương trình "mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) về dược phẩm và du lịch, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng bán hàng trực tuyến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ gia đình; xây dựng kế hoạch hỗ trợ tỉnh tổ chức các sự kiện chuyển đổi số doanh nghiệp, gian hàng Việt, hội nghị về các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh để kết nối doanh nghiệp với địa phương; tư vấn giúp tỉnh xác định danh mục và triển khai các dự án nhằm cụ thể hóa chương trình hành động, bám sát theo Nghị quyết Chuyển đổi số của tỉnh Hà Giang, phù hợp với năng lực và thế mạnh của FPT.

Minh Tâm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm