Thừa Thiên - Huế tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Thừa Thiên - Huế tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung chuyển đổi khoảng 3.300 ha đất lúa kém hiệu quả ở vùng miền núi, bãi ngang ven biển, vùng thiếu nước sang trồng ngô, lạc, rau, hoa và nuôi trồng thủy sản. Tỉnh đưa tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt trên 98% diện tích gieo cấy, diện tích lúa cánh đồng mẫu lớn có liên kết trong tiêu thụ khoảng 5.500 ha lúa.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương, tỉnh tập trung nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao.

Thừa Thiên - Huế tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1
Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu đến năm 2020 thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên gấp từ 1,6 - 1,9 lần so với năm 2016. Ảnh minh họa: tapchitaichinh.vn

Mỗi huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng ít nhất 1 mô hình/năm về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có liên kết để làm điểm nhân rộng cho những năm sau; nhất là tăng cường quản lý kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản. Tỉnh khuyến khích nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, áp dụng triệt để các tiêu chuẩn VietGAP, ISO…

Vụ Hè Thu 2017, tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển thêm vùng chuyên canh sản xuất các giống lúa mới kháng rầy và hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. Các giống lúa mới kháng rầy nâu như: HP01, HP05, RNT07 và kháng rầy lưng trắng như: ĐT34, Q5, PC6, HP28 đang tạo đột phá cho sản xuất lúa ở Thừa Thiên - Huế. Theo các nhà nghiên cứu Trường Đại học Nông Lâm Huế, những giống lúa trên có những ưu điểm vượt trội như: thời gian sinh trưởng ngắn dưới 120 ngày, năng suất cao trên 50 tạ/ha, chất lượng gạo thơm ngon.

Đáng chú ý, từ giữa tháng 5/2017, phường Thủy Biều, thành phố Huế bắt đầu triển khai 2 dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đó là dự án của doanh nghiệp Yên Hà Hương Giang được đầu tư trên diện tích khoảng 2000 m2 và dự án do ông Trương Như Hải hợp tác với 4 hộ nông dân xây dựng trên diện tích 1.500 m2.

Đây được xem là thí điểm đầu tiên về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Huế. Dự án gồm nhà kính rộng 1300 m2 do công ty nhà màng Watanabe Pipe Việt Nam thiết kế và thi công, ứng dụng công nghệ tiên tiến tưới nhỏ giọt và hệ thống làm mát của Israel.

Theo ông Trương Như Hải, chủ đầu tư dự án, ưu điểm của mô hình trồng trọt này là không phụ thuộc vào thời tiết do có hệ thống làm mát, tạo điều kiện canh tác cây trái vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Hệ thống tưới nhỏ giọt còn có thể kiểm soát được hoàn toàn dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng nên sản phẩm an toàn, đầu ra hết sức thuận lợi.

Thừa Thiên - Huế tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao ảnh 2
Vụ Hè Thu 2017, tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển thêm vùng chuyên canh sản xuất các giống lúa mới kháng rầy và hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh minh họa: tapchithegioi.vn

Những năm trở lại đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế mở rộng vùng chuyên canh sản xuất lúa hữu cơ, thông qua việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Nhiều vùng trong tỉnh, nông dân sản xuất lúa không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và chỉ áp dụng kỹ thuật cao; doanh nghiệp thu mua lúa và hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống cho nông dân.

Điển hình là mô hình liên kết giữa Công ty TNHH Một thành viên Nông sản hữu cơ Quế Lâm với Hợp tác Nông nghiệp Phú Lương, huyện Phú Vang để sản xuất giống lúa hữu cơ, chất lượng cao như BT7, DT39...

Ông Nguyễn Thụ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lương chia sẻ, đơn vị đã mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ từ 10 ha lên 130 ha như hiện nay. Việc liên kết với doanh nghiệp giúp đầu ra cho lúa hữu cơ ổn định, giá cao từ 7.000 – 7.500 đồng/kg, so với từ 5.000 – 5.500 đồng/kg các loại lúa khác.

Ngoài Phú Lương, hiện nay ở Thừa Thiên - Huế đã có khoảng 3.000 ha lúa sản xuất theo mô hình hữu cơ, chất lượng cao tập trung nhiều ở huyện Phú Vang, Quảng Điền. Các vùng sản xuất loại lúa này đều có sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, nhằm tạo ra thương hiệu gạo sạch, có giá trị cao.../.
Quốc Việt

Có thể bạn quan tâm