Thừa Thiên - Huế hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới

Thừa Thiên - Huế hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới
Theo đó, huyện miền núi A Lưới vừa triển khai kế hoạch hỗ trợ cho 40 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn, biên giới  như: A Roàng, A Đớt,  Hương Nguyên, Hồng Trung, Hồng Vân, Đông Sơn, Hồng Thái, Hồng Thủy xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019 - 2020 với tổng nguồn đầu tư khoảng 30,4 tỷ đồng.

Trong tổng số vốn đầu tư nói trên, nguồn vốn ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ là hơn 25 tỷ đồng, còn lại ngân sách địa phương và đóng góp của nhân dân trên địa bàn huyện. Mục tiêu đề ra của A Lưới là tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới ở cấp thôn nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân tại các thôn của các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới trên địa bàn huyện.

Huyện A Lưới phấn đấu đến năm 2020, có 21/40 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới theo bộ tiêu chí, đạt 52,55% kế hoạch; hộ nghèo giảm từ 38,51% xuống còn 30% cuối năm 2019 và còn 20% năm 2020.

Để đạt được mục tiêu này, A Lưới thực hiện hỗ trợ 40 mô hình ở 40 thôn thuộc 8 xã với kinh phí 100 triệu đồng/mô hình để phát triển sản xuất. Các mô hình hỗ trợ gồm: chăn nuôi, thâm canh lúa nước, trồng chuối già lùn, trồng bơ, trồng ớt chỉ thiên...; đồng thời hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm: các công trình nước sinh hoạt, đường nội đồng và giao thông nông thôn, thủy lợi, cơ sở hạ tầng trường học...

Hiện tại, có 8 xã biên giới ở A Lưới hiện đang thực hiện tốt ngày "Nông thôn mới" và "Ngày chủ nhật xanh" để duy trì các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được; đồng thời rà soát để chọn một số sản phẩm hoặc nghề là thế mạnh của địa phương để tập trung hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Huyện miền núi A Lưới đang tập trung phát triển mô hình trồng chuối già lùn, trở thành đặc sản của người dân vùng cao. Hiện, huyện A Lưới có khoảng 387 ha chuối; trong đó, diện tích chuối già lùn khoảng 116,4 ha. Cây chuối già lùn thường được trồng ở độ cao trên 100m so với mực nước biển với năng suất đạt bình quân khoảng 2,8 tấn/ha, mỗi ha chuối cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Hướng tới xây dựng thương hiệu cho cuối già lùn, A Lưới đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận an toàn.

Bên cạnh đó, nếu kết nối được với các cơ sở thu mua, chế biến; diện tích trồng chuối già lùn được mở rộng thì đây là nguồn thu nhập giúp cho bà con các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, biên giới tăng thêm thu nhập, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cùng với A Lưới, huyện miền núi Nam Đông đã trồng được 75ha cam; trong đó, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 30ha mang thương hiệu "cam Nam Đông". Cam Nam Đông hiện có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Bởi, giống cam này có chất lượng vượt trội nên được người tiêu dùng ưa chuộng, cung không đủ cầu. Chính điều này thúc đẩy bà con mở rộng quy mô trồng cam ra các xã Hương Hòa, Hương Lộc, Hương Phú. Bên cạnh cây cam, chuối cũng là cây đặc sản được huyện Nam Đông chú trọng phát triển. Huyện hiện có khoảng 150 ha chuối các loại được trồng kết hợp với các loại cây trồng khác để phát triển kinh tế vườn, hộ gia đình.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, trước mắt, huyện sẽ tập trung chuyển đổi diện tích trồng keo trên đất ít dốc có tiềm năng, diện tích cao su đổ gãy nhiều, già cỗi đến thời kỳ tái canh kém hiệu quả để trồng cam, phát triển kinh tế vườn.

Huyện chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn bà con sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất từ khâu sản xuất giống, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Huyện cũng sẽ đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chuỗi giá trị để trái cây đặc sản của địa phương thực sự vươn xa.

Hiện nay, mỗi hecta vườn kinh tế ở huyện cho thu nhập đạt từ 27 - 29 triệu đồng, riêng cây cao su đạt 45 - 50 triệu đồng/ha, rừng kinh tế đạt từ 40 - 45 triệu đồng/ha. Đối với cây cao su, từ 0,5 ha đưa vào trồng thử ban đầu, đến nay toàn huyện Nam Đông đã trồng được gần 3.500 ha cây cao su; trong đó, có khoảng 850 ha diện tích cây trồng đã cho mủ.

Sản lượng thu hoạch hiện tại đạt khoảng 1.500 tấn, thu 45 tỷ đồng/năm. Từ nay đến năm 2020, huyện Nam Đông xác định cam là một trong những cây trồng chủ lực và xây dựng đề án phát triển cam Nam Đông với 400ha theo tiêu chuẩn VietGap. Với giá cam thấp nhất tại vườn như hiện nay là 15 triệu đồng/tấn; 1ha cam bình quân thu 175 triệu đồng/năm, cao gấp 5 lần cây cao su, 10 lần cây keo, 7 lần cây sắn...
 
Quốc Việt 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm