Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc

Trong chương trình công tác tại Thừa Thiên Huế dự Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V, chiều 25/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các đề xuất, kiến nghị để tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu chủ yếu

Theo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Năm 2022, Thừa Thiên Huế đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. Theo đó, GRDP tăng 8,56%; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 12,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12%; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; dịch vụ, du lịch phục hồi tốt, lượng khách du lịch tăng gần 3 lần cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công đạt 107% kế hoạch; vốn FDI đăng ký tăng 40% so với cùng kỳ; nhiều chỉ số cải cách hành chính thuộc nhóm dẫn đầu cả nước…

Trong quý I năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước tăng 3,5%; công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 1,04% so với cùng kỳ; khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ; tổng lượng khách du lịch tăng hơn 2,1 lần, trong đó khách quốc tế tăng mạnh so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ tỉnh một số nội dung như: giúp tỉnh hoàn thành xây dựng "Đề án thành lập thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế"; xây dựng mới Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế"; hỗ trợ, bổ sung kinh phí cho 2 dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, gồm tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế, cầu qua cửa Thuận An và Đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2); cho phép tỉnh được áp dụng Khung chính sách đã thực hiện đối với dự án giai đoạn 1 để tiếp tục thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế (giai đoạn 2) và xem xét bổ sung nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện hoàn thành dự án; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 49; Đề án "Xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia"; xem xét đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá một số dự án gồm: Nâng cấp hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế và Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua; làm rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; góp ý, đề xuất các định hướng để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh, bền vững; đồng thời phát biểu giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Theo Thủ tướng, Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của miền Trung và cả nước; là cửa ngõ tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Tỉnh có hệ thống hạ tầng, giao thông thuận lợi gồm cả đường bộ, đường sắt, hàng không và đường biển; có lợi thế phát triển kinh tế biển, đặc biệt là địa điểm du lịch hấp dẫn với nền văn hóa đặc sắc; nhiều cơ sở giáo dục, y tế chất lượng cao; 5 di sản thế giới…

"Thừa Thiên Huế hội tụ các điều kiện, tỉnh phải phát huy, biến tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh thành nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng nhấn nhạnh.

Cùng với việc phân tích kết quả đạt được, Thủ tướng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức; trong đó chỉ rõ, kết quả phát triển kinh tế -xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chất lượng tăng trưởng chưa bền vững. Quy mô kinh tế còn nhỏ; Các ngành, lĩnh vực chủ yếu còn gặp nhiều khó khăn. Tỉnh chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, do đó yêu cầu tỉnh quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

"Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả; chú trọng tạo đột phá để phát triển; phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh và huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Theo Thủ tướng, Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là về kinh tế biển, du lịch văn hóa lịch sử - sinh thái, tỉnh phải chú trọng phát triển hài hòa kinh tế - văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; đề nghị Thừa Thiên Huế thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục, thí điểm tổ chức phong trào "Ngày Chủ nhật xanh".

"Tỉnh phải tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp, từng ngành", Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục rà soát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm; Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Trước mắt, Thừa Thiên Huế phải làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh; khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối thông suốt nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chuyển đổi số; khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, cùng với đó cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị và thương hiệu nông sản; gắn kết phát triển du lịch, nhất là ở các địa bàn miền núi, vùng ven biển, đầm phá.

Thủ tướng nhấn mạnh, tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, có điểm nhấn, tạo sự khác biệt mang nét đặc trưng riêng có; phát triển du lịch thông minh; gắn kết với tuyến du lịch "Con đường di sản miền Trung" và "Hành lang kinh tế Đông - Tây". Xúc tiến các tập đoàn lớn, có thương hiệu đầu tư phát triển các tổ hợp mua sắm, vui chơi, giải trí; các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh, du lịch nông nghiệp...

Thủ tướng chỉ rõ, tỉnh cần huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư, đặc biệt là vốn FDI. Xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước và quốc tế. Tiếp tục thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực công nghệ, nhân lực số. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo toàn diện gắn với đẩy mạnh phát hiện, bồi dưỡng giáo dục mũi nhọn, phát triển tài năng; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Thừa Thiên Huế phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi số. Cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh. Thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, làm giàu chính đáng; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội…

"Thừa Thiên Huế phải biến di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về các đề xuất, kiến nghị của Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây đều là những đề xuất chính đáng, vì mục tiêu phát triển chung. Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phù hợp với các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành chung của cả nước; phù hợp với điều kiện đất nước hiện nay.

Phạm Tiếp - Đỗ Trưởng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm