Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Ngày 16/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1403/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

vna_potal_thu_tuong_pham_minh_chinh_doi_thoai_voi_nong_dan_7156623.jpeg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Phó Trưởng ban. Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn làm Ủy viên.

Ngoài ra, Ủy viên Ban Chỉ đạo còn có: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo

Theo Quyết định, Ban Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nhiệm vụ, giải pháp để triển khai các nội dung sau: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp: Đổi mới, sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới; đổi mới, sắp xếp hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước. Xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ và đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031).

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc thực hiện các nội dung nêu trên.

Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo

Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, giúp Trưởng ban xây dựng kế hoạch, chương trình công tác; tổng hợp, báo cáo các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo; điều hòa, phối hợp, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đồng thời rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, ngành từ nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII đến khóa XV và đề xuất phương án hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, ngành trong thời gian tới; thực hiện một số nhiệm vụ khác do Trưởng ban giao.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập Tổ giúp việc do Bộ trưởng Bộ Nội vụ là Tổ trưởng, một Thứ trưởng Bộ Nội vụ là Tổ phó và lãnh đạo một số vụ chức năng của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ là thành viên Tổ giúp việc.

Chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo làm việc theo Quy chế hoạt động do Trưởng ban Ban Chỉ đạo ban hành. Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Chính phủ khi ký các văn bản chỉ đạo được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; các Ủy viên Ban Chỉ đạo khi ký các văn bản được sử dụng con dấu của bộ, ngành nơi công tác.

Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Nội vụ và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm