Sáng 3/6, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 5 trực tuyến với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả triển khai công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; kết quả làm việc của các thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
Dự Phiên họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội. Dự họp tại các điểm cầu các địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, phiên họp này được tổ chức sau thành công của Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương và Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra, dành thời gian thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã cử 25 đoàn công tác, làm việc tại các địa phương để đôn đốc sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu…
Thủ tướng yêu cầu, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, phân tích kỹ những mặt đã làm được, đặc biệt là những hạn chế, khó khăn, thách thức, nhất là trong sản xuất, kinh doanh để qua đó bàn giải pháp khắc phục, thực hiện đạt kết quả cao các nhiệm vụ trong quý 2 và các tháng cuối năm.
Báo cáo tình hình tại phiên họp cho thấy, trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tháng 5 tiếp tục chuyển biến khá tích cực, góp phần cải thiện kết quả chung của 5 tháng đầu năm và tạo đà cho những tháng tiếp theo. Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm (4 tháng tăng 3,84%); lạm phát cơ bản tiếp tục chuyển biến tích cực. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay giảm; ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đạt 48% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 5 ước lần lượt tăng 5,3%, 4,3% và 6,4% so với tháng trước; 5 tháng ước xuất siêu 9,8 tỷ USD. FDI đăng ký tháng 5 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đạt 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bước đầu chuyển biến tích cực, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh… đã hỗ trợ tích cực, từng bước khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/5 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch Thủ tướng giao, tương đương cùng kỳ năm 2022, nhưng số tuyệt đối cao hơn 41 nghìn tỷ đồng; đã đẩy một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, giải quyết việc làm.
Tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023, Chính phủ tiếp tục tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Việt Nam đã tham gia thành công SEA Games 32. Nhiều hoạt động văn hóa, chương trình nghệ thuật, chính trị được tổ chức để chào mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…, các hoạt động văn hóa để kích cầu mùa du lịch 2023. Ngành Giáo dục tích cực chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng; tập trung khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương. Ngành Y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch COVID-19, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm, thường gặp trong mùa nắng nóng; xử lý, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh lớn...
Quốc phòng an ninh được bảo đảm. Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, đi vào thực chất; tổ chức tốt các cuộc trao đổi đoàn cấp cao, gắn kết chặt chẽ giữa song phương và đa phương, tham gia thành công với nhiều sáng kiến, trao đổi tích cực được ghi nhận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-42, Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Hội nghị Tương lai Châu Á tại Nhật Bản… Qua đó cho thấy vị thế, vai trò của Việt Nam ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao quan hệ đối tác, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút FDI, thị trường khách du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đối mặt với thách thức lớn để tồn tại, duy trì sản xuất kinh doanh, chờ đợi cơ hội tích cực hơn từ thị trường. Điều hành kinh tế vĩ mô tiếp tục chịu nhiều áp lực, thu ngân sách Nhà nước thời gian tới có thể bị tác động mạnh do sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp khó khăn. Tình hình lao động, việc làm gặp nhiều thách thức. Rủi ro dịch bệnh, bão lũ, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu diễn biến trái quy luật, khó dự báo, an ninh kinh tế, an ninh mạng, bạo lực học đường phức tạp… tiếp tục là những vấn đề cần quan tâm.
TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin về phiên họp.
Phạm Tiếp