Những ngày này, cùng với người dân cả nước, bầu không khí rộn ràng chào đón Tết Độc lập đang tràn ngập từ thôn, xóm đến phố, phường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Cách đây 78 năm, Bác Hồ đã chọn xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại đây, Trung ương Đảng và Bác đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước vào tháng 8/1945.
* Đầu tư các công trình, dự án trọng điểm
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, đoàn kết một lòng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Với phương châm “giao thông đi trước mở đường” và là huyết mạch của nền kinh tế, tỉnh đã và đang triển khai hàng loạt các dự án trọng điểm theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng. Địa phương đã huy động, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông kết nối; đầu tư các công trình, dự án trọng điểm về kết nối giao thông để liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể như: Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ (dự kiến hoàn thành trong năm 2023); dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1); đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn… Nguồn lực tỉnh dành cho đầu tư hạ tầng giao thông đạt trên 8.300 tỷ đồng, chiếm 60% nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư công giai đoạn 2021 - 2023.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh huy động nhiều nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, liên thông với đầu mối giao thông chính trong khu vực như: đường cao tốc, quốc lộ, cảng hàng không... Hạ tầng giao thông cũng kết nối liên hoàn, thông suốt từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến xã và thôn, bản, tháo gỡ nút thắt về giao thông của tỉnh, dần hình thành mạng lưới giao thông vận tải tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, hướng tới hiện đại, có tính kết nối cao.
Ông Trần Văn Chung (thôn Gia, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn) cho biết, từ năm 2021 đến nay, xã đã hoàn thành bê tông hóa trên 8,3 km đường thôn và đường nội đồng. Trước đây, nhiều tuyến đường giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa khai thác gỗ rừng trồng, nhân dân thường bị thương lái ép giá. Từ khi có đường mới, rộng đẹp, thoáng đãng, giá thu mua gỗ rừng của nhân dân cao gấp 2 đến 3 giá so với trước.
Cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng, tỉnh đã ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách, đề án về phát triển du lịch. Địa phương triển khai xây dựng, phát triển Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng tiêu chí khu du lịch quốc gia vào năm 2025; phát triển Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, mang thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế. Đồng thòi, tỉnh xây dựng Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế; xây dựng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm trở thành khu du lịch mang thương hiệu quốc tế, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu du khách.
Tính từ năm 2021 đến tháng 6/2023 toàn tỉnh đón gần 6,1 triệu lượt khách, tổng thu xã hội từ du lịch đạt 6.420 tỷ đồng.
* Thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững và toàn diện
Xác định sản xuất công nghiệp là một trong những lĩnh vực mũi nhọn, Tuyên Quang tập trung phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị và chất lượng cao… Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 2 khu công nghiệp với tổng diện tích 320 ha, thu hút được 20 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 7.253 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 1.500 lao động; thành lập mới 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích 375 ha, thu hút được 27 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2.702 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 8.000 lao động.
Thực hiện khâu đột phá “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới”, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách, đề án, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Toàn tỉnh đã hình thành 76 liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có 191 sản phẩm OCOP, đứng thứ 4 trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc về số lượng sản phẩm OCOP; 107 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ… Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 ước đạt trên 65%, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 48.318 ha, đứng thứ 2 cả nước. Dự kiến hết năm 2023, toàn tỉnh có 74/122 xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, đề án, cơ chế, chính sách của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn.
Tỉnh Tuyên Quang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh chú trọng khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển để nâng cao quy mô, giá trị, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững và toàn diện; chủ động nắm bắt, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh.
Địa phương tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ của Trung ương, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình, tạo động lực tăng trưởng. Từ đó, hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu sớm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Quang Cường