Tối 19/6, tại Hà Nội, Tổng cục phòng, chống thiên tai tổ chức chương trình toạ đàm "Báo chí phòng chống thiên tai-Báo chí vì cộng đồng".
Chương trình với sự tham gia của ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai; Nhà báo Hồ Bá Dung, nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Thành viên Hội đồng giám khảo Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống thiên tai; Nhà báo Nguyễn Thị Hương Lan, Trưởng phòng nông nghiệp-biển đảo, Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam, đại diện nhóm đoạt giải thể loại phát thanh tại giả báo chí toàn quốc về phòng, chống thiên tai lần thứ 2; Nhà báo, Đại tá Hồ Công Lĩnh, Báo Quân khu 4, đại diện nhóm đoạt giải câu chuyện có tác động mạnh mẽ nhất tại giả báo chí toàn quốc về phòng, chống thiên tai lần thứ 2.
Chương trình toạ đàm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022) và được phát trực tiếp qua faebook tại địa chỉ: Facebook.com/phongchongthientaivn.
Theo Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, thông tin về phòng, chống thiên tai rất phong phú với nhiều thể loại báo chí tham gia như phát thanh, truyền hình, báo viết... Tuy nhiên, để có được những thông tin đó, các nhà báo phải trải qua nhiều khó khăn và vất vả. Thời gian qua, các nhà báo đã đồng hành với ngành phòng, chống thiên tai cung cấp những thông tin chính xác, kịp thời; từ những thông tin đó đã góp phần quan trọng trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Nhà báo Hồ Bá Dung chia sẻ, bản thân đã từng là một nhà báo, đã tham gia đưa tin về công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, việc đưa tin về thiên tai đòi hỏi sự lăn xả, sức khoẻ, sự hy sinh... "Thời gian tới nên chăng cần có ngành để đào tạo phóng viên chuyên viết về thiên tai, thảm hoạ và dịch bệnh", nhà báo Hồ Bá Dung đề xuất.
Nhà báo Nguyễn Thị Hương Lan, Trưởng phòng nông nghiệp-biển đảo, Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, đối với mặt trận phòng, chống thiên tai, các cơ quan báo chí dành sự quan tâm đặc biệt. Mỗi khi có tình huống thiên tai xảy ra, từ sự chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo phòng cử phóng viên có nghiệp vụ tốt, chuẩn bị mọi điều kiện để có thể tác nghiệp một cách tốt nhất. Ngoài ra, phóng viên làm công tác thông tin về phòng, chống thiên tai còn được sự quan tâm của chính quyền địa phương, người dân nên khi tác nghiệp, bằng sự yêu nghề, trách nhiệm với nghề, các nhà báo đã dành hết tâm huyết để cho ra đời những tác phẩm báo chí hay.
Nhà báo, Đại tá Hồ Công Lĩnh, Báo Quân khu 4 tâm sự: "Bản thân đã trực tiếp vào khắc phục hậu quả thiên tai tại tỉnh Thừa Thiên - Huế nên để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Chính từ những ấn tượng này cùng với những lần tham gia tác nghiệp phòng, chống thiên tai, chúng tôi đã cho ra đời tác phẩm "Hoa đỏ giữa thời bình" (tác phẩm đoạt giải câu chuyện có tác động mạnh mẽ nhất tại giải báo chí toàn quốc về phòng, chống thiên tai lần thứ 2). Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng cùng với các đồng chí, đồng nghiệp trong công tác thông tin về phòng, chống thiên tai được kịp thời, chính xác, góp phần giảm thiểu thiệt hại, hướng tới xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai.
Tại chương trình, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan đến báo chí với công tác phòng, chống thiên tai.
Thắng Trung