Thông qua Nghị quyết sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, xã của 12 tỉnh

Thông qua Nghị quyết sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, xã của 12 tỉnh
Khai mạc Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Trọng Đức - TTXVN
Khai mạc Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ảnh: 
Nguyễn Trọng Đức - TTXVN
Về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với tờ trình và đề án của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các đề án được Chính phủ và 11 tỉnh thực hiện công phu, nghiêm túc với tinh thần thận trọng, hồ sơ đầy đủ, có tờ trình, đề án và dự thảo các nghị quyết kèm theo; lấy ý kiến đầy đủ của cử tri ở các tỉnh và các địa phương có sự sắp xếp, được Hội đồng nhân dân các cấp thông qua. Về nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, các đề án cơ bản đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện theo quy định của pháp luật, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết 1211, Nghị quyết 1210, Nghị quyết 635 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 32 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm thực hiện một số nội dung cụ thể. Với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng Chính phủ và địa phương đề nghị chưa sắp xếp, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương quán triệt tiếp tục thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật. Với các trường hợp đơn vị hành chính thành lập sau sắp xếp mà vẫn chưa bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, đề nghị Chính phủ trong quá trình xây dựng đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới cần bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, tránh gây xáo trộn. Theo giải trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, hiện nay, một số đơn vị cấp huyện, cấp xã tuy đã được sáp nhập từ 2 đến 3 đơn vị nhưng vẫn chưa bảo đảm tiêu chí về đơn vị tự nhiên, quy mô dân số, do những yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, về văn hóa và những điều kiện khác. Vì vậy, cần tính đến những yếu tố đặc thù đó, tránh trường hợp lại phải sắp xếp trong giai đoạn sau. Đây là những trường hợp được Chính phủ đề nghị cho phép giữ tính ổn định. Với những trường hợp nhập các đơn vị hành chính ở nông thôn vào các đơn vị hành chính ở đô thị dẫn tới diện tích tự nhiên ở các đơn vị hành chính ở đô thị mới này tăng lên gấp nhiều lần, ảnh hưởng tới cơ sở hạ tầng ở các đơn vị này, các ý kiến đề nghị Chính phủ và các địa phương có kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị ở các đơn vị mới trong thời gian tới. Mong muốn có không gian cho sự phát triển của các đô thị mới, nhưng do thực tế chưa đủ điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng theo tiêu chí của đô thị, Chính phủ và các địa phương cần đầu tư nguồn lực ưu tiên cho những nơi này để đáp ứng các tiêu chí về đô thị cho các đơn vị này. Với các đơn vị hành chính sắp xếp có liên quan tới các cơ quan khác trên địa bàn, như Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân, có ý kiến đề nghị cần thể hiện rõ trên tên gọi của đề án sắp xếp. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các nghị quyết có nội dung sắp xếp các đơn vị hành chính, không phải sắp xếp các cơ quan trên đơn vị hành chính đó. Việc sắp xếp đơn vị hành chính có liên quan tới rất nhiều cơ quan, không chỉ có Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên tên các đề án, dự thảo nghị quyết là sắp xếp các đơn vị hành chính. Những đơn vị hành chính còn lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các địa phương khẩn trương sắp xếp để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 1/2020 để kịp thời sắp xếp các đơn vị này theo đúng kế hoạch đề ra. Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng tinh thần chỉ đạo và kế hoạch, đồng thời phải bảo đảm được an ninh trật tự, bảo đảm sự đoàn kết trong nhân dân và bảo đảm đời sống sản xuất, đời sống tinh thần vật chất của nhân dân để phát triển các đơn vị sau sắp xếp. Việc quản lý, sử dụng trang thiết bị vật chất, trụ sở của các đơn vị sắp xếp cần được thực hiện hiệu quả, tiết kiệm tránh lãng phí, thất thoát theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm việc đặt trụ sở cần chọn vị trí trung tâm để tạo thuận lợi nhất cho người dân đi lại. Với những đơn vị chưa sắp xếp do có tính đặc thù, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ và các địa phương là không sắp xếp lại. Trên tinh thần đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 Nghị quyết sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở 11 tỉnh và Nghị quyết thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa, thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông. Cũng trong sáng 17/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2019; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội.
Hoàng Thị Hoa

Có thể bạn quan tâm