Ngày 3/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cùng Đoàn công tác đi thực tế, kiểm tra thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và một số mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn thị xã Sơn Tây (Hà Nội)…
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh cho biết, thị xã Sơn Tây có 6 xã thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) là Cổ Đông, Xuân Sơn, Sơn Đông, Đường Lâm, Thanh Mỹ và Kim Sơn. Xuất phát điểm xây dựng NTM của thị xã rất khó khăn, thu nhập bình quân theo đầu người thấp (16,7 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo cao (8,86%), kinh tế tập thể chậm phát triển…
Tuy nhiên, sau 10 năm xây dựng NTM, 6/6 xã đều đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như 100% giao thông được cứng hóa; 100% trạm y tế các xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của thị xã chỉ còn 0,38% (thấp hơn bình quân chung của thành phố là 0,42%), thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/người/năm… Đến năm 2019, thị xã Sơn Tây được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thị xã Sơn Tây đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh và ứng dụng khoa học - công nghệ, mang lại giá trị kinh tế cao, qua đó hình thành các mô hình liên kết chuỗi; hệ thống hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ; diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao…
Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cùng Đoàn công tác tham quan trại gà Mía giống của Xí nghiệp chăn nuôi gia cầm Hadico (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội) tại xã Cổ Đông, nơi đang bảo tồn và phát triển giống gà Mía (gà tiến vua).
Ông Nguyễn Duy Vụ - Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi gia cầm Hadico cho biết: Gà Mía không giống với bất kỳ loại gà nào khác, là giống gà quý của vùng đất cổ nằm bên hữu ngạn sông Hồng, cách thị xã Sơn Tây 3km về phía Tây Bắc, nay thuộc xã Đường Lâm. Hiện tại, Xí nghiệp chăn nuôi gia cầm (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội) được thành phố giao cho khu đất rộng 11ha để hoạt động sản xuất, nuôi hàng vạn con gà giống chất lượng, mỗi năm nhân khoảng ba triệu con giống gà Mía, cung cấp cho các hộ nông dân, trang trại, gia trại trên địa bàn Thủ đô.
Đánh giá về mô hình sản xuất và cung ứng giống gà Mía của Xí nghiệp chăn nuôi gia cầm Hadico (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng: Phát triển gà Mía là định hướng đúng đắn của ngành Nông nghiệp Hà Nội. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nghiên cứu, chuyển giao nguồn gen quý gà Mía Sơn Tây cho các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc, những nơi có địa hình gần giống với thị xã Sơn Tây để người dân phát triển chăn nuôi gà Mía.
Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cùng Đoàn công tác tới tham quan cánh đồng trồng sâm Bố Chính của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm.
Để trồng sâm, năm 2020, Ủy ban Nhân dân xã Thanh Mỹ phối hợp với Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm vận động người dân cho thuê đất để trồng sâm Bố Chính. Vùng đất này trước đó người dân dùng để trồng sắn, hiệu quả kinh tế thấp. Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm thuê đất với quy mô 5ha và đầu tư hệ thống tưới nước tự động. Hiện tại, giống sâm Bố Chính đã thích nghi với vùng đất Sơn Tây. Dự kiến sau 1 năm trồng sâm sẽ cho thu hoạch củ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm nên nghiên cứu các phương thức tích tụ ruộng đất, trong đó có việc nông dân sử dụng chính thửa đất của mình để góp cổ phần với hợp tác xã. Có cổ phần, kinh doanh hiệu quả, nông dân sẽ tự khắc hào hứng tham gia hợp tác xã. Mô hình trồng sâm Bố Chính rất cần được hỗ trợ để phát triển. Từ hiệu quả của các mô hình, thị xã Sơn Tây cần tiếp tục khai thác lợi thế địa phương để phát triển nông nghiệp, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị nông sản, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Thắng