Thị xã Buôn Hồ - Đô thị trẻ giàu khát vọng vươn lên

Một góc trung tâm thị xã Buôn Hồ. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN
Một góc trung tâm thị xã Buôn Hồ. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) nằm cách Buôn Ma Thuột 40 km, được thành lập theo Nghị định 07/NĐ-CP ngày 23/12/2008 của Chính phủ. Trải qua 15 năm với những khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã đã đồng lòng đoàn kết, nỗ lực vươn lên, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, hướng tới xây dựng thị xã Buôn Hồ giàu đẹp, sinh thái, văn minh, nghĩa tình.

Thị xã Buôn Hồ - Đô thị trẻ giàu khát vọng vươn lên ảnh 1Một góc trung tâm thị xã Buôn Hồ. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Thị xã Buôn Hồ được tách ra từ huyện Krông Búk cũ, với diện tích tự nhiên 28.205 ha. Ngày mới chia tách, thị xã Buôn Hồ có xuất phát điểm về kinh tế - xã hội còn thấp. Trong cơ cấu kinh tế, nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 52,7%, công nghiệp - xây dựng chiếm 14,57%; dịch vụ chiếm 32,73%. Tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường nội thị đạt 20,8%; đường trục chính ở các xã chỉ đạt 13,6%; đường liên thôn, buôn đạt 18%. Toàn thị xã có 3 xã, phường chưa có trạm y tế. Đời sống nhân dân nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 6,11%.

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, anh dũng kiên cường, Đảng bộ, quân và dân thị xã Buôn Hồ đã nỗ lực khắc phục khó khăn, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để đầu tư, xây dựng và phát triển thị xã Buôn Hồ. Đến nay, nhiều công trình mới mọc lên, cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần người dân nâng cao… là những dấu ấn nổi bật sau 15 năm thành lập thị xã Buôn Hồ.

Tăng trưởng kinh tế của thị xã Buôn Hồ liên tục giữ mức khá, bình quân thời kỳ 2008 - 2023 là 11,31%. Quy mô nền kinh tế năm 2023 ước tăng trên 4,36 lần so với năm 2009. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đến năm 2023, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 29,24%, công nghiệp chiếm 17,72%, dịch vụ chiếm 53,05%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhanh, hệ thống điện - đường - trường - trạm được quan tâm đầu tư và kiên cố hóa.

Thị xã đã bê tông tóa, nhựa hóa 73,66% tuyến đường nội thị; 80,21% tuyến đường trục chính xã và 81,69% tuyến đường liên thôn, buôn. Hệ thống lưới điện quốc gia được phủ kín đến 100% thôn, buôn. Bên cạnh đó, thị xã đã đầu tư 2 nhà máy cấp nước. Tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 93%. 100% các xã về đích nông thôn mới, bình quân mỗi xã đã đạt 16 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,64% (theo tiêu chuẩn mới).

Bà Hồ Thị Hoa, xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ phấn khởi chia sẻ, so với 15 năm trước, diện mạo nông thôn của xã đã khởi sắc vượt bậc. Đường sá 22 thôn, buôn được bê tông hóa, thuận lợi cho bà con đi vào nương rẫy sản xuất và giao thương hàng hóa. Bên cạnh đó, xã có trường học, trạm y tế phục vụ nhân dân. Đời sống nhân dân phát triển.

Cùng tâm trạng phấn khởi như bà Hoa, ông Y Li Krông, buôn Dut, xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ cho biết, buôn có 118 hộ, trong đó 97,5% hộ dân tộc thiểu số. Cùng với cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, bà con trong buôn được tiếp cận với khoa học kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Là người có uy tín trong buôn, ông Y Li Krông đã nỗ lực làm kinh tế, vận động bà con đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế trong buôn, góp phần vào sự phát triển chung của thị xã.

Tận dụng lợi thế của địa phương, đến nay, thị xã Buôn Hồ có 63 doanh nghiệp 24 hợp tác xã và 32 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp dịch vụ đầu vào, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phạm Tươi, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Lan Tươi cho biết, 15 năm trước, với khát vọng và hoài bão của một thanh niên, ông đã nỗ lực làm kinh tế. Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay, ông đã liên kết thành lập một hợp tác xã, một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Mùa vụ sầu riêng năm 2023, hợp tác xã đã sơ chế hơn 2.000 tấn sầu riêng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Như vậy, với nhiều giải pháp và chủ trương mang tính đột phá, cùng sự đồng sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân đã từng bước thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã Buôn Hồ trong 15 năm qua đã làm thay đổi diện mạo của vùng đất giàu truyền thống cách mạng kiên trung.

Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ Đặng Gia Duẩn cho biết, kỷ niệm 15 năm ngày thành lập thị xã là dịp để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân ôn lại truyền thống tự hào với những kết quả đã đạt được, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã đặt mục tiêu xây dựng thị xã trở thành đô thị loại III vào năm 2025 và trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội tiểu vùng phía Bắc của tỉnh, đóng vai trò quan trọng, đầu tàu tăng trưởng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tiểu vùng.

Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ Đặng Gia Duẩn nhấn mạnh, là đô thị trẻ giàu khát vọng phát triển, thời gian tới, UBND thị xã xác định 2 nhóm giải pháp để tạo sự đột phá. Một mặt, thị xã giải quyết những điểm nghẽn về quy hoạch, sớm triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để mời gọi, thu hút các dự án, các công trình đầu tư vào thị xã. Mặt khác, thị xã khai thác nội lực, phát huy tối đa sức dân và tranh thủ, khai thác hiệu quả các nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, bước sang giai đoạn mới, để góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk, thị xã Buôn Hồ cần tiếp tục phát huy những kết quả và thành tích đã đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, xây dựng thị xã vững mạnh toàn diện. Thị xã cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng ổn định, bền vững, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư; chủ động hội nhập, tìm kiếm thị trường; quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ tốt cảnh quan môi trường; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội...

15 dựng xây và phát triển, thị xã Buôn Hồ - một đô thị trẻ giàu khát vọng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, diện mạo đô thị loại III đang dần được hoàn thành. Tin rằng, 24 dân tộc anh em trên địa bàn thị xã sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo những bước đột phá để xây dựng Buôn Hồ giàu đẹp - sinh thái - văn minh - nghĩa tình.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm