Tạo sinh kế bền vững cho 4.000 phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số ở Buôn Hồ

Lễ ký kết tiếp nhận và khởi động dự án “Vươn mình - Phát triển sinh kế bền vững”. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN
Lễ ký kết tiếp nhận và khởi động dự án “Vươn mình - Phát triển sinh kế bền vững”. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Thúc đẩy sinh kế bền vững cho nông dân sản xuất quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ và người đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là mục tiêu mà dự án “Vươn mình - Phát triển sinh kế bền vững” hướng tới.

Tạo sinh kế bền vững cho 4.000 phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số ở Buôn Hồ ảnh 1Lễ ký kết tiếp nhận và khởi động dự án “Vươn mình - Phát triển sinh kế bền vững”. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Lễ ký kết tiếp nhận và khởi động dự án diễn ra vào chiều 9/2 do Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, UBND thị xã Buôn Hồ phối hợp Trung tâm phát triển cộng đồng tổ chức.

Dự án được thực hiện đến hết tháng 8/2024, tập trung hỗ trợ nông dân xã Ea Drông và xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Dự án hướng đến việc thúc đẩy phát triển sinh kế cho nông hộ nhỏ, đặc biệt là phụ nữ và người đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc hỗ trợ người dân có tư liệu sản xuất, thông tin thị trường và nguồn lực cần thiết. Mục tiêu mang lại lợi ích và góp phần cải thiện cuộc sống cho hơn 4.000 phụ nữ và người đồng bào dân tộc thiểu số ở thị xã Buôn Hồ.

Tạo sinh kế bền vững cho 4.000 phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số ở Buôn Hồ ảnh 2Lễ ký kết tiếp nhận và khởi động dự án “Vươn mình - Phát triển sinh kế bền vững”. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Bà Vũ Lan Hương, Quản lý dự án của Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết, thị xã Buôn Hồ là vùng có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp song chưa được khai thác, phát triển xứng tầm. Ngoài ra, địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực sản xuất, các thị trường để phát triển kinh tế. Dự án “Vươn mình - Phát triển sinh kế bền vững” tập trung vào 3 mảng chính: Nâng cao khả năng, năng lực về phát triển sinh kế (năng lực trồng trọt, chăn nuôi); nâng cao kỹ năng tiếp cận nguồn vốn và quản lý tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh; tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, dự án song hành để tăng cường sự liên kết giữa các thành viên trong cộng đồng, thúc đẩy tiếng nói và vai trò của phụ nữ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Tham gia dự án, người dân được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, tập huấn quản lý tài chính trong hộ gia đình và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, kết nối với các tác nhân trong chuỗi giá trị,… Dự án còn hướng tới tìm tòi cơ hội phát triển sản phẩm OCOP của địa phương, chế biến sâu sản phẩm nông sản.

Tạo sinh kế bền vững cho 4.000 phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số ở Buôn Hồ ảnh 3Đại diện chính quyền xã, thôn/buôn các xã thụ hưởng dự án thảo luận, lên kế hoạch triển khai dự án. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ Đặng Gia Duẩn cho biết, thị xã hiện có 113.076 người dân với 22 dân tộc cùng sinh sống. Nhân dân thị xã tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn theo phương thức truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; chưa có mô hình liên kết sâu, hình thành các chuỗi ngành hàng chủ lực. Cấp ủy, chính quyền thị xã luôn trăn trở làm sao chuyển biến nhận thức tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Thị xã trân trọng và luôn tranh thủ tiếp cận các dự án. Cấp ủy, chính quyền thị xã kỳ vọng, dự án “Vươn mình - Phát triển sinh kế bền vững” sẽ góp phần chuyển biến nhận thức về sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. UBND thị xã giao Phòng Kinh tế thị xã làm đầu mối theo dõi, phối hợp triển khai dự án đạt mục tiêu đề ra; giao UBND xã Ea Drông và UBND xã Cư Bao phối hợp khảo sát, đánh giá kết quả đầu kỳ dự án; lập kế hoạch, thảo luận nhóm hộ và cộng đồng để thực hiện khoản viện trợ theo đúng quy định, để dự án triển khai hiệu quả, sát với nhu cầu của nông dân.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm