Tại cuộc họp báo về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025 diễn ra chiều 29/11 tại Hà Nội, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Phương án thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dựa trên các nguyên tắc cốt lõi.
Bộ đã bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật liên quan về công tác tổ chức thi bảo đảm tổ chức thi và và xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Cụ thể, đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đồng thời, bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018: “Giáo dục Trung học Phổ thông là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp”; bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ giữa đổi mới các kỳ thi quốc gia với kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học; đồng bộ với lộ trình tự chủ giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Phương án thi cũng kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong giai đoạn 2015 – 2023; chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Trong quá trình xây dựng và lấy ý kiến xã hội, dự thảo phương án thi đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ báo chí trung ương và địa phương. Các ý kiến trao đổi, phân tích từ các chuyên gia, giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân được ghi nhận trên các báo là kênh tham khảo quan trọng để Bộ Giáo dục và Đào tạo từng bước hoàn thiện phương án thi, đảm bảo các yêu cầu đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật của nhà nước; đảm bảo về khoa học giáo dục và mong muốn của đa phần dư luận xã hội.
Ngày 14/11/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực chỉ trì phiên họp Hội đồng và các thành viên Hội đồng đã cho ý kiến về phương án thi, có tới 95% số người tham gia dự họp đồng ý phương án do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án thi 4 môn bao gồm 2 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn được lựa chọn trong các môn học còn lại của lớp 12.
Về băn khoăn môn Ngoại ngữ không phải môn thi bắt buộc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, ông Huỳnh Văn Chương cho biết: Hiện nay, theo Chương trình mới, môn Ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3. Do đó, học sinh có cả quá trình từ lớp 3-lớp 12 là nền tảng để nâng cao năng lực ngoại ngữ không chỉ căn cứ vào một kỳ thi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, các em vẫn có quyền lựa chọn Ngoại ngữ để thi trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, tùy vào năng lực và định hướng nghề nghiệp.
Liên quan đến định dạng cấu trúc, ngân hàng đề thi, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Song song với việc chuẩn bị phương án thi năm 2025, lãnh đạo Bộ cũng chỉ đạo chuẩn bị rất sớm các công việc này.
Song do thời điểm hiện nay, các học sinh thi năm 2025 mới đang học ở học kỳ I năm lớp 11 trong khi đề thi minh họa thường được công bố vào học kỳ II của lớp 12. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định sẽ công bố định dạng và cấu trúc mô phỏng của đề thi, sử dụng kiến thức của lớp 10, 11, (chưa công bố đề thi minh hoạ), ngay sau khi thử nghiệm xong định dạng và cấu trúc đề thi, trong quý 4 năm 2023. Định dạng và cấu trúc đáp ứng được mục tiêu đánh giá năng lực, bên cạnh đó, phải có tính kế thừa vì thí sinh thi năm 2025 là thí sinh thi năm đầu tiên, chỉ có 3 năm học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Định dạng này cũng định hướng sử dụng lý thuyết khảo thí hiện đại để không có sự lệch điểm quá lớn giữa một số môn, như nhóm Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.
Đối với học sinh trong trường hợp trượt kỳ thi tốt nghiệp 2024 (thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006), ông Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ: Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán để tổ chức thi riêng cho các thí sinh này, theo nguyên tắc các em học theo chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó, đảm bảo đúng nội dung, phương thức thi cũ, cả cấu trúc và định dạng đề thi.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết thêm: Bộ sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em, dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của học sinh, để tham mưu, nghiên cứu tổ chức kỳ thi cho đối tượng thí sinh này, có thể thi cùng năm 2025 nhưng nội dung thi có 2 chương trình khác nhau (đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006).
Với việc sử dụng hình thực thi trắc nghiệm, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, trước đây có những chuyên gia rất không đồng tình với việc thi trắc nghiệm, đặc biệt là môn Toán, nhưng bây giờ đã thống nhất cao với giải pháp xây dựng thiết kế đề thi và câu hỏi yêu cầu phải tư duy logic, suy luận mới làm được. Nếu ở đâu đó giáo viên dạy “mẹo” để thi “mẹo” thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các Sở trong quá trình dạy học phải khắc phục tình trạng này. Cũng như chúng ta phải giảm môn bắt buộc, tăng môn tự chọn, cùng lúc chuyển nền giáo dục lâu nay nặng về ứng thí, sang nền giáo dục thực học, thực dạy, học để làm chứ không phải học để thi.
Chia sẻ về phương án tuyển sinh đại học khi thay đổi phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ cho biết: Quy chế tuyển sinh đại học đã được giữ ổn định trong 2 năm qua, trong đó, quy định những nguyên tắc chung trong tuyển sinh, không phụ thuộc vào hình thức hay nội dung thi. Các kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh đầu vào theo chương trình của các cơ sở đào tạo và các trường cũng sẽ chủ động điều chỉnh nội dung thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, 100% các trường vẫn sử dụng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và kết hợp nhiều phương thức để xét tuyển nên thí sinh vẫn có cơ hội xét tuyển bằng nhiều phương thức mà không cần tham dự kỳ thi riêng của các trường.
Việt Hà