Thí sinh, nhà trường đều vật vã vì xét tuyển

Thí sinh, nhà trường đều vật vã vì xét tuyển
Những ngày cuối tuần, lượng hồ sơ xin rút vẫn rất cao. Ảnh: Laodong.vn
Những ngày cuối tuần, lượng hồ sơ xin rút vẫn rất cao. Ảnh: Laodong.vn

Rối như canh hẹ
Đa số phụ huynh, thí sinh đều tỏ rõ sự mỏi mệt khi phải chờ đợi trong tâm trạng giống như “chơi chứng khoán” với việc rút, nộp hồ sơ vào các trường ĐH. Đặc biệt, vào mỗi dịp cuối 1 đợt (3 ngày), khi các trường công bố danh sách điểm xét tuyển, thì lại là một cuộc “khủng hoảng” nữa cho cả thí sinh với người nhà.
Thí sinh Hải Anh (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết: “Em lên Hà Nội từ hôm 13, mà đến ngày 14 mới nhận lại được hồ sơ của mình. Em sẽ ở lại Hà Nội đến hết ngày 20/8 - ngày kết thúc hạn xét tuyển nguyện vọng 1 thì mới về quê, nếu không sẽ không thể theo kịp việc rút, nộp hồ sơ để có thể tìm được một trường mình chắc chắn đỗ. Em mệt lắm rồi, lại tốn kém của bố mẹ thêm bao nhiêu là tiền, nhưng vẫn phải cố thôi vì năm nay quy định là như thế”.
Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong 2 - 3 ngày trở lại đây, trung bình mỗi ngày có 500 thí sinh đến rút hồ sơ. Vì vậy, trong một lúc không thể giải quyết xong, trường đã phải chọn cách ưu tiên những thí sinh ở tỉnh xa trước, hồ sơ của thí sinh Hà Nội thì giải quyết sau.
Quy trình rút một hồ sơ tại trường ĐH Bách Khoa như sau: Trường quét hồ sơ để báo cáo với Bộ về trường hợp thí sinh rút hồ sơ khỏi trường. Sau khi hoàn thành công đoạn này, thì thí sinh mới nộp được hồ sơ vào trường khác. Chính vì thế quá trình nộp và xét hồ sơ phải có thời gian nhất định, không thể nhanh gọn được.
Tình trạng rút, nộp hồ sơ ở những tỉnh phía Nam cũng không nhẹ nhàng hơn. Chị Nguyễn Thanh Thơm (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: “Tôi thấy năm nay xét tuyển vào ĐH quá rắc rối. Khi biết kết quả thi của cháu với 22 điểm, cả nhà đều nghĩ cháu có khả năng vào ĐH rồi, nhưng ai ngờ theo dõi thông tin trên mạng, chúng tôi thấy hoang mang vì mỗi ngày điểm của cháu bị tụt hạng và bây giờ thì nằm ngoài danh sách tạm trúng tuyển của trường. Kể từ khi biết điểm và nộp hồ sơ, cả nhà ai cũng mất ăn mất ngủ, lên mạng theo dõi rồi đến trường nộp hồ sơ và rút hồ sơ. Nhà ở tận Đồng Nai, mỗi lần đi lên đi xuống cũng mất cả một ngày, tôi thấy quá mệt mỏi với kiểu xét tuyển này”.
Bên cạnh đó, mỗi trường cập nhật danh sách thứ hạng điểm một cách khác nhau, nên cũng khiến thí sinh khó theo dõi. Nhiều phụ huynh thí sinh cho biết, điều cần nhất là thông tin cần được thống nhất, tránh tình trạng cứ có “biến” là sửa như đang “đẽo cày giữa đường”, vô tình khiến thí sinh như “chuột bạch”. Hơn nữa, hệ thống thứ hạng điểm cần công bố một cách khoa học để tiện theo dõi, giúp thí sinh có thể lựa chọn cơ hội cho mình.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc Gia Hà Nội, quy định mới của Bộ GD - ĐT là các thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác có thể trực tiếp tại trường, hoặc có thể tới Sở GD - ĐT hoặc các trường THPT do Sở GD - ĐT quy định để nộp hồ sơ; đã khiến việc xét tuyển càng thêm chậm chạp, không thông suốt. Trong khi đó các trường ĐH, CĐ và hàng trăm ngàn thí sinh đang nhấp nhỏm vì thời gian xét tuyển đợt 1 không còn nhiều.
“Giải pháp đơn giản và khả thi nhất của việc xét tuyển là dữ liệu và thông tin kết quả thi của thí sinh cần được cung cấp đầy đủ cho các trường ĐH, CĐ, không cung cấp nhỏ giọt từng thí sinh một. Và việc xét tuyển giao toàn quyền chủ động cho các trường ĐH, CĐ trên cơ sở quy chế tuyển sinh, không cần phải cầm tay chỉ bảo một việc mà các trường ĐH, CĐ đã tự thực hiện suốt từ bao nhiêu năm qua. Nút thắt đang nằm ở chính Cục Khảo thí”, TS Nghĩa bức xúc.
Cần có sự thay đổi cho phù hợp
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận: Công tác tuyển sinh năm nay nhằm tạo cơ hội và cung cấp cho thí sinh các kênh thông tin để có thêm căn cứ lựa chọn đăng ký xét tuyển, nhằm giảm thiểu tình trạng người có điểm cao vẫn trượt ĐH, nhưng người có điểm thấp lại có chỗ trên giảng đường, như những năm trước đây. Bộ GD - ĐT khuyến khích thí sinh cân nhắc thông tin, tận dụng cơ hội để có quyết định phù hợp với nguyện vọng, đam mê của mình. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Để tận dụng lợi thế đó, các em sẽ phải vất vả hơn, tuy nhiên, thí sinh không bắt buộc phải tham gia vào sự "quay cuồng" đó. "Nếu thí sinh không muốn vất vả thì vẫn có thể đăng ký xét tuyển như năm trước là nộp thẳng hồ sơ xét tuyển vào trường, không theo dõi thông tin nữa và chờ trường thông báo kết quả. Bộ GD - ĐT đã tạo điều kiện tối đa và để rộng cửa cho các em xem sử dụng cơ hội đó hay không".
Một trong những bất cập của kỳ tuyển sinh năm nay là việc áp dụng công nghệ thông tin trong xét tuyển khiến nhiều thí sinh và phụ huynh bức xúc. Giải đáp băn khoăn này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các kỳ thi kiểm tra, đặc biệt là trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Tuy nhiên, để áp dụng ICT thành công với hiệu quả cao, ngoài yếu tố con người thì hạ tầng ICT rất quan trọng, có lúc đóng vai trò quyết định. Thực tế, kết cấu hạ tầng ICT của các trường ĐH, CĐ Việt Nam không đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu của tất cả thí sinh, phụ huynh trong cả nước. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế xã hội ở các vùng miền khác nhau nên điều kiện tiếp cận với ICT còn hạn chế nên chưa thể triển khai đồng loạt trên toàn hệ thống..
Với việc mỗi trường cập nhật thứ hạng điểm theo một cách, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD - ĐT nhấn mạnh: “Quy định của Bộ là các trường ĐH - CĐ ít nhất 3 ngày/lần công bố thông tin đăng ký xét tuyển, trong đó cần đưa ra các thông tin căn bản như thông tin về mức điểm, điểm ưu tiên, tổ hợp đăng ký của thí sinh vào ngành đào tạo… Từ quy định chung này, các trường sẽ lựa chọn phương thức tốt nhất trong việc hỗ trợ thí sinh. Việc làm này cũng sẽ thể hiện trách nhiệm của nhà trường đối với những sinh viên tương lai của mình”.
Ý kiến của các lãnh đạo Bộ là như vậy, tuy nhiên, với thực tế những ngày qua, rõ ràng vấn đề xét tuyển ĐH - CĐ năm nay là bất cập. Dẫu gì việc đã rồi, nhưng quan trọng là Bộ GD - ĐT rút ra được kinh nghiệm gì để chỉnh sửa trong những năm tới, nhằm tạo thuận lợi nhất cho cả thí sinh lẫn các trường, không khiến cho “cải tiến” lại thành “cải lùi” như hiện nay.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm