Ngày 4/12, tại Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 60 bác sĩ trẻ, trong đó có 57 bác sĩ người dân tộc thiểu số vừa tốt nghiệp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I khóa 9 và khóa 13 tại trường này về công tác ở vùng khó khăn.
Đây là hoạt động thuộc dự án 585 "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo) do 3 trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Hải Phòng và Đại học Y Dược Huế đào tạo.
Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Quang Hà, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên bày tỏ sự xúc động khi tham gia dự án với chuyên ngành ngoại khoa. Trong quá trình học tập trong Trường Đại học Y Dược Hải Phòng và tham gia điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, bác sĩ Hà được đào tạo theo hình thức "cầm tay chỉ việc" nên tiến bộ rất nhanh. Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Quang Hà hứa sẽ sử dụng kiến thức đã học tiếp tục điều trị, chăm sóc tốt cho bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa I Sin Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hoàng Su Phì, Hà Giang chia sẻ, khi Bộ Y tế triển khai dự án, bệnh viện cử các bác sĩ tại chỗ tham gia. Sau khi học trở về, đội ngũ này giúp bệnh viện triển khai tốt một số kỹ thuật trong đó có chăm sóc thành công thai nhi chỉ nặng 800gram, hiện giờ cháu đã nặng 6 kg.
Bác sĩ Sin Đức Văn khẳng định, dự án rất nhân văn và hiệu quả do lực lượng đào tạo là người địa phương nên sẽ tâm huyết, gắn bó lâu dài với bệnh viện.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cho biết, nhà trường đã đào tạo 79 bác sĩ phục vụ dự án 585. Phần lớn các bác sĩ đều đạt kết quả học tập khá, giỏi.
Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Giám đốc dự án 585 đánh giá, dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó tạo cơ hội để đông đảo người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Việc triển khai tốt dự án còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Tiến sĩ Phạm Văn Tác giao Trường Đại học Y Dược Hải Phòng và một số trường đại học y tổ chức đào tạo cho các bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia dự án bảo đảm chất lượng, vững vàng về chuyên môn để phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, góp phần thực hiện công bằng trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân.
Tiến sĩ Phạm Văn Tác cũng yêu cầu các bác sĩ trẻ của dự án luôn sẵn sàng tinh thần xung phong đi đến nơi Tổ quốc cần. Khi về địa phương làm việc cần chăm sóc bệnh nhân đúng mực, vì lợi ích của cộng đồng.
Dự án được 585 được Bộ Y tế triển khai từ tháng 2/2013 với mục tiêu đảm bảo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Theo đó, tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn nêu trên. Hiện dự án đã, đang và sẽ đào tạo chuyên khoa I cho 354 bác sĩ thuộc 11 chuyên ngành (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, Răng hàm mặt và Y học cổ truyền) trong thời gian 24 tháng. Sau đó, các bác sĩ tốt nghiệp sẽ công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện.
Hết thời hạn trên, các bác sĩ tiếp tục công tác tại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển vào làm việc trước khi đi công tác ở vùng khó khăn. Riêng đối với những bác sĩ do các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện, trung tâm y tế huyện đó.
Báo cáo của các Sở Y tế có huyện nghèo cho thấy, nhu cầu bác sĩ tại 62 huyện nghèo là khoảng 598 người thuộc 15 chuyên khoa. Trong đó 7 chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất là Khoa Nội: 53; Khoa Ngoại: 49; Khoa Sản: 55; Khoa Nhi: 44; Khoa Hồi sức cấp cứu: 47; Khoa Truyền nhiễm: 35 và Khoa Chẩn đoán hình ảnh là 33. Như vậy đến nay số bác sĩ còn thiếu của 7 chuyên khoa này là 316 người.
Tình nguyện đi công tác ở vùng khó khăn, các bác sĩ sẽ được hưởng chế độ đối với cán bộ y tế làm việc tại vùng sâu, miền núi, vùng khó khăn theo các nghị định của Chính phủ.
Chương trình đào tạo dành riêng cho các bác sĩ này đã được Bộ Y tế xây dựng mới, thẩm định và phê duyệt, chú trọng đến thực hành tay nghề chiếm 70% đơn vị học trình. Các bác sĩ được đào tạo như bác sĩ nội trú, theo hướng “cầm tay chỉ việc” giao mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn một học viên và có sự kiểm soát chặt chẽ kết quả đầu ra, bảo đảm khi ra trường họ có thể thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện.
Trong thời gian đào tạo các bác sĩ được hỗ trợ tiền học phí, hưởng lương theo quy định và chế độ khác của dự án.
Minh Thu