Thể thao Đông Nam Á khởi sắc tại Rio

Thể thao Đông Nam Á khởi sắc tại Rio
Nếu như tại Olympic London 4 năm về trước, các đoàn thể thao Đông Nam Á không giành HCV nào (năm đó, Thái Lan có 2 HCB, 2 HCĐ, Indonesia và Malaysia mỗi quốc gia có 1 HCB, 1 HCĐ, Singapore 2 HCĐ), thì hiện tại, thể thao khu vực đã có 4 HCV, cùng hàng loạt HCB giá trị khác. Thể thao khu vực này đã có những bước tiến vượt bậc vượt qua chính mình so với kỳ đại hội trước và có bước chuyển mình để bước ra khỏi “vùng trũng” thể thao của thế giới.
Thể thao Đông Nam Á khởi sắc tại Rio ảnh 1
Thể thao Đông Nam Á khởi sắc tại Rio ảnh 2
Thể thao Đông Nam Á khởi sắc tại Rio ảnh 3
Xuân Vinh, Schooling, Tanasan, những cái tên làm rạng danh thể thao Đông Nam Á.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh được nhắc đến nhiều nhất khi đem về cho thể thao Việt Nam 1 HCV và 1 HCB, chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử. Thành tích cá nhân của Hoàng Xuân Vinh có thể nói là số 1 khu vực, vì anh thắng gần như tuyệt đối ở các nội dung tham dự. Anh đã trở thành biểu tượng mới cho thành công của thể thao Việt Nam nói riêng và cả vùng Đông Nam Á nói chung. Hoàng Xuân Vinh chính là sự khích lệ cho thể thao khu vực, vì ý chí và nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi của mình. Báo chí thế giới (từ những tờ báo hàng đầu như L’Equipe, Dailymail), châu Á và khu vực (những nhật báo nổi tiếng nhất ở các quốc gia láng giềng gồm Bangkok Post, The Star) đều cảm thấy sốc với thành tích của Hoàng Xuân Vinh.
Hay sự kiện kình ngư Joseph Schooling đánh bại huyền thoại Michael Phelps (Mỹ) trên đường đua xanh ở cự ly sở trường 100m bướm, kèm với đó là phá kỷ lục Olympic ở nội dung này đã khiến người hâm mộ thế giới không khỏi sửng sốt. Tấm HCV của Schooling đã mang ý nghĩa lịch sử đối với đất nước này, không chỉ vì họ đang sở hữu “thần đồng bơi lội”, mà còn vì đây là môn thể thao cơ bản của Olympic, rất khó giành chiến thắng trước các cường quốc mạnh về bơi lội như Mỹ, Australia, Hungary... Tấm HCV của Schooling là một trang mới của bơi lội khu vực, hy vọng nó sẽ giúp khích lệ tất cả các quốc gia còn lại của Đông Nam Á, để có thể vươn mình ở môn thi vốn chưa bao giờ là thế mạnh.
Trong số 11 quốc gia Đông Nam Á thi tài tại Rio 2016, đến thời điểm này (ngày 15/8), đã có 6 quốc gia xuất hiện trên bảng tổng sắp huy chương của Đại hội với 4 HCV, 7 HCB và 1 HCĐ, tức là vượt tổng thành tích ở các kỳ Olympic trước.
Thái Lan vẫn là lá cờ đầu của Đông Nam Á ở mọi cuộc tranh tài đẳng cấp thế giới, vì họ được đầu tư lớn, rất bài bản và luôn thể hiện tầm nhìn Olympic của mình. 2 tấm HCV, cộng thêm với 1 HCB và 1 HCĐ ở môn cử tạ đã giúp thể thao xứ Chùa vàng bay cao. Giờ đây, thế giới đang nhắc đến Thái Lan như là một cường quốc ở nội dung này.
Đông Nam Á đang trải qua 1 kỳ Olympic thành công, mặc dù nhiều niềm hy vọng khác chưa thể thắng giải như dự tính ban đầu, ở các môn cử tạ, đấu kiếm, bắn súng, bơi lội… Nhưng sau Olympic 2016, nhất định một cuộc chạy đua ở khu vực sẽ diễn ra cho Olympic 2020, để các quốc gia quyết liệt đầu tư cho những môn mình vừa chiến thắng, hoặc tiệm cận với khả năng tranh chấp huy chương ở đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh này.
Đây chính là kết quả của sự chuyển mình trong chiến lược đầu tư của nhiều nước Đông Nam Á cho thể thao, hướng về các môn cơ bản của phong trào Olympic. Cả thế giới đang cùng hướng đến đấu trường Olympic, coi đấy là đỉnh cao duy nhất thể hiện sự cường thịnh của nền thể thao và thể thao Đông Nam Á cũng vậy. 

Có thể bạn quan tâm