Những năm qua, cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, lực lượng biên phòng tỉnh Sơn La còn làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc vùng biên. Những thầy thuốc mang quân hàm xanh đã giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc sức khỏe, phát huy hiệu quả việc chữa bệnh ban đầu tại tuyến cơ sở.
Cán bộ quân y Đồn Biên phòng Phiêng Pằn khám bệnh cho người dân em vùng biên. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Bản vùng biên Phiêng Khàng, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn có hơn 100 hộ dân chủ yếu thuộc các dân tộc Mông, Xinh Mun, Thái. Nhiều năm trước, mỗi khi có người ốm, điều đầu tiên các hộ gia đình ở đây nghĩ đến là mời thầy cúng về chữa bệnh. Căn bệnh sau đó dù có hết hay không thì khoản chi phí để trang trải cho việc làm lễ cúng cũng là một gánh nặng đối với gia đình. Nhưng hơn 10 năm nay, kể từ khi Đồn biên phòng Phiêng Pằn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) được thành lập và đóng quân tại đây, qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của bà con đã có những chuyển biến tích cực.
Ông Vì Văn Viền, bản Phiêng Khàng vốn là một thầy mo đã hành nghề nhiều năm trong việc cúng bái, chữa bệnh cho người dân trong bản. Khi lực lượng biên phòng về đây, công việc của ông cũng vì thế mà ít đi, không còn nhiều người đến nhà nhờ ông làm lễ cúng nữa. Điều đó khiến ông rất khó chịu và có cái nhìn không tốt với lực lượng biên phòng. Khi chị gái ông bị đột quỵ, cán bộ quân y của Đồn Biên phòng đã khuyên đưa bà đến bệnh viện để điều trị nhưng gia đình ông không nghe theo. Cái chết của người chị gái đã khiến ông thay đổi thái độ.
Sau đó, ông được cán bộ quân y của Đồn Biên phòng khám và phát hiện bản thân cũng mang bệnh huyết áp cao, tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ. Lần này, ông đã nghe theo lời khuyên của cán bộ biên phòng và đến bệnh viện để lấy thuốc điều trị. Ông Vì Văn Viền chia sẻ, được cán bộ quân y của Đồn Biên phòng Phiêng Pằn khuyên nhủ, động viên nên ông đã hiểu được sự nguy hiểm của việc có bệnh mà không đến cơ sở y tế để điều trị. Vì vậy, thời gian qua khi không xuống được bệnh viện huyện để khám, ông đều đến Đồn Biên phòng kiểm tra sức khỏe. Bên cạnh đó, ông cũng không nhận việc cúng bái để chữa bệnh, mà khuyên mọi người đến Đồn Biên phòng hoặc các cơ sở y tế để được chẩn đoán khi ốm đau.
Cán bộ Đồn Biên phòng Phiêng Pằn tuyên truyền về tầm quan trọng của việc khám, chữa bệnh cho người dân vùng biên. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Theo chị Vì Thị Cương, cán bộ quân y của Đồn Biên phòng, người đã góp phần không nhỏ trong việc mang lại cho người con trai bị bệnh hẹp van tim của chị một cuộc sống mới. Chị Cương kể lại, cậu con trai út của chị thường có những biểu hiện bất thường như hay bị ngất, nhưng do hoàn cảnh thiếu thốn, nhà lại ở xa trung tâm huyện nên gia đình không cho con đi khám. May mắn trong một lần cán bộ quân y của Đồn Biên phòng Phiêng Pằn xuống khám bệnh tại bản đã phát hiện con chị có vấn đề về tim. Sau đó, các cán bộ, chiến sỹ trong Đồn đã vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ để con chị có điều kiện xuống Hà Nội phẫu thuật. Nhờ vậy, đến nay sức khỏe của con trai chị đã ổn định. “Không chỉ giúp đỡ trong việc đưa con trai đi chữa bệnh, lực lượng biên phòng còn tìm được nguồn tài trợ giúp gia đình mua một con bò, đến nay đã cho sinh sản. Vì thế, gia đình cũng bớt khó khăn hơn trước đây rất nhiều”, chị Cương xúc động nói.
Hiện nay, mặc dù điều kiện cuộc sống còn hết sức khó khăn, nhưng việc chăm sóc sức khỏe của người dân nơi đây ngày càng được chú trọng. Đây cũng là mong muốn mà những người thầy thuốc mang quân hàm xanh luôn trăn trở, tìm nhiều cách để thay đổi nhận thức của người dân.
Cán bộ quân y Đồn Biên phòng Phiêng Pằn đến tận nhà khám bệnh cho người dân vùng biên. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Cán bộ quân y Đồn Biên phòng Phiêng Pằn hướng dẫn người dân sử dụng thuốc. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Người dân đến khám bệnh tại Đồn Biên phòng Phiêng Pằn. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Thượng úy Trần Đức Thiện, cán bộ quân y Đồn Biên phòng Phiêng Pằn, hơn 10 năm qua gắn bó với đồng bào dân tộc vùng biên cũng là từng đó thời gian anh luôn cố gắng mang lại những sự thay đổi nhỏ trong nhận thức hàng ngày của người dân, để họ hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bản thân khi ốm đau, bệnh tật.
Thượng úy Trần Đức Thiện chia sẻ, qua thời gian tuyên truyền cùng những việc làm thiết thực, bà con đã dành niềm tin cho lực lượng biên phòng. Mỗi khi ốm, việc đầu tiên bà con đến Đồn Biên phòng hoặc các cơ sở y tế để được tư vấn. Khi đến đơn vị, nếu trong khả năng, quân y sẽ thăm khám và cấp phát thuốc miễn phí, còn đối với những bệnh nặng sẽ hướng dẫn đi các bệnh viện tuyến trên. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân phải đi khám chữa bệnh ở các tuyến Trung ương, đơn vị sẽ kêu gọi nguồn hỗ kinh phí giúp bà con yên tâm chữa bệnh.
Theo Thượng tá Phạm Văn Toan, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phiêng Pằn, hàng năm có trên 1.000 lượt người dân đến Đồn khám, chữa bệnh và được cấp thuốc miễn phí; trong đó, tiền thuốc được lấy từ nguồn kinh phí chung và một phần do cán bộ, chiến sỹ trong Đồn đóng góp. Ngoài ra, quân y của đơn vị còn kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền khám chữa bệnh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị dị tật bẩm sinh như hở hàm ếch, các bệnh về tim. Đến nay, đã có 24 em nhỏ mắc các dị tật bẩm sinh được khám, phẫu thuật miễn phí. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phát huy vai trò của cán bộ quân y trong việc tuyên truyền, vận động người dân chú trọng chăm sóc sức khỏe, không chủ quan khi ốm đau. Các cán bộ quân y của Đồn cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp đỡ người dân trong quá trình khám, chữa bệnh.
Hữu Quyết
TTXVN