Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương (thứ hai, bên trái) tại buổi làm việc. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN |
Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từng bước được tỉnh Sóc Trăng tiếp thu, đổi mới, áp dụng để nâng cao hiệu quả theo hướng gắn kết với sản xuất và đời sống; tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh như: lúa, tôm nước lợ, bò sữa, trái cây có múi, hành tím… Nổi bật trong lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, tỉnh đã hoàn thiện và chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm càng xanh theo quy trình nước xanh cải tiến, công nghệ sản xuất cá rô phi, cá tra và việc xây dựng quy trình nuôi tôm sú bán công nghiệp và công nghiệp đã đưa nghề tôm sú ở Sóc Trăng phát triển cao.
Đối với lúa đặc sản, tỉnh đã xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất và canh tác các giống lúa thơm đặc sản xuất khẩu; tạo lập được thương hiệu “Gạo Tài nguyên Thạnh Trị”. Trong sản xuất hành tím, tỉnh triển khai một số dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hành tím an toàn và vùng sản xuất hành tím đạt tiêu chuẩn Global GAP, là nền tảng tạo lập thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hành tím Vĩnh Châu. Ngoài ra, tỉnh ban hành Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2013-2020, chú trọng chăn nuôi bò sữa quy mô lớn, trang trại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN |
Từ năm 1999 đến nay, tỉnh triển khai thực hiện 6 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi và 72 đề tài, dự án trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Năm 2017, tỉnh đặt hàng Bộ Khoa học và Công nghệ dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú kết hợp với các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá đối mục, cá măng theo hướng bền vững tại khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng”, thực hiện năm 2018 và dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu”.
Tại buổi làm việc, đại diện sở, ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cùng đoàn công tác đã thảo luận, giải đáp một số khó khăn, kiến nghị như: Vấn đề sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm bánh pía Sóc Trăng, vi sinh bản địa và nghiên cứu thảo dược thay cho kháng sinh trên tôm, nghiên cứu công nghệ bảo quản hành tím và trái cây sau thu hoạch, giải pháp tiêu thụ trái cây mẫu mã xấu nhưng an toàn và chất lượng cao, phương pháp lai giống lúa ST24, việc thực hiện Thông tư liên tịch 16 ngày 9/1/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ…
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN |
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương nhấn mạnh, hai vấn đề chính tỉnh Sóc Trăng cần quan tâm hiện nay là biến đổi khí hậu và ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, biến nguy hiểm thành cơ hội. Đoàn công tác sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp, đề xuất của tỉnh và các doanh nghiệp để có hướng giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn, gia tăng giá trị sản phẩm.
Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng cần đẩy mạnh liên kết vùng và liên kết giữa nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học, cơ quan quản lý. Đồng thời, Sóc Trăng cần đẩy mạnh tuyên truyền về sở hữu trí tuệ và chỉ dẫn địa lý, đặc biệt là những chính sách về sở hữu trí tuệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Chương trình Sở hữu trí tuệ Quốc gia để doanh nghiệp chủ động đăng ký bản quyền, đăng ký sở hữu trí tuệ.
Hoài Thu