Tháo gỡ khó khăn, tăng cường công tác tổ chức xây dựng Đảng 13 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc

Tháo gỡ khó khăn, tăng cường công tác tổ chức xây dựng Đảng 13 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc

Chiều 28/6, tại thành phố Bắc Giang, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức Hội nghị giao ban công tác tổ chức xây dựng Đảng 13 tỉnh khu vực miền núi, trung du phía Bắc năm 2022. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị.   

Tháo gỡ khó khăn, tăng cường công tác tổ chức xây dựng Đảng 13 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc ảnh 1Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Dự Hội nghị có lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, các cục, vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương; lãnh đạo Ban Tổ chức các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Phú Thọ.

Hội nghị là dịp các địa phương trao đổi, chia sẻ, học hỏi các kinh nghiệm hay, cách làm mới, hiệu quả, thống nhất phương pháp, cách thức thực hiện, nhất là đối với các quy định mới của Trung ương. Đồng thời, các đại biểu cùng thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ công tác trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số nội dung trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng như luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cán bộ; nâng cao chất lượng đảng viên; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng; đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, giao chỉ tiêu, công tác bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ tiếp theo…

Tháo gỡ khó khăn, tăng cường công tác tổ chức xây dựng Đảng 13 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc ảnh 2Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác tổ chức xây dựng Đảng của 13 tỉnh khu vực miền núi, trung du phía Bắc. Trong điều kiện khó khăn, giao thông không thuận lợi nhưng tỷ lệ đảng viên trên dân số của các tỉnh đạt cao (7,4%); trong đó nhiều tỉnh tỷ lệ bí thư là trưởng thôn, tổ dân phố đạt trên 90%. Nhiều địa phương đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao trong triển khai thực hiện các mô hình hợp nhất tổ chức và kiêm nhiệm chức danh theo tinh thần Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030.

Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, khoảng 41 văn bản mới về công tác tổ chức xây dựng Đảng được ban hành, trong 6 tháng cuối năm còn khoảng 18 văn bản. Như vậy, kết thúc năm 2022 sẽ có khoảng 59 văn bản mới ban hành về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Khối lượng công việc lớn đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng phải quyết liệt, khẩn trương để hoàn thành công việc được giao, bảo đảm không chậm trễ. Theo đó, 6 tháng cuối năm cần tập trung cao độ để triển khai các đề án, nhiệm vụ trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Ngay khi văn bản mới về công tác tổ chức xây dựng Đảng được ban hành, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tổ chức các hội nghị quán triệt để bảo đảm triển khai đồng bộ, thống nhất đến các địa phương.

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: "Sau Đại hội XIII của Đảng có nhiều chủ trương, quy định, hướng dẫn mới của Đảng được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong quá trình sơ kết, tổng kết, Ban Tổ chức Trung ương luôn quan tâm, lắng nghe ý kiến của địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, trong quá trình tham mưu, có nhiều vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm, như công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quy định về quy hoạch, luân chuyển cán bộ, quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị hay việc cụ thể hóa Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo… đòi hỏi các địa phương, đơn vị, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần chung sức, đồng lòng, nâng cao ý chí, quyết tâm để những quy định, hướng dẫn của Trung ương thực sự đi vào cuộc sống".

Tháo gỡ khó khăn, tăng cường công tác tổ chức xây dựng Đảng 13 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc ảnh 3Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cũng đề nghị, người làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng phải nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định, hướng dẫn của Trung ương để tham mưu cấp ủy triển khai đồng bộ, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng.

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2022, công tác tổ chức xây dựng Đảng ở 13 tỉnh khu vực miền núi, trung du phía Bắc đã đạt được nhiều kết quả. Ban Tổ chức Tỉnh ủy 13 tỉnh trong khu vực đã tham mưu cho cấp ủy địa phương ban hành Kế hoạch để thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch số 03-KH/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tham mưu với Ban Thường vụ cấp ủy thực hiện bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với 187 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong đó, thực hiện luân chuyển 26 lượt cán bộ từ tỉnh xuống huyện và ngược lại, từ tỉnh về xã, từ huyện này sang huyện khác và từ ngành này sang ngành khác; bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử 161 lượt cán bộ.

Trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, cả khu vực đã kết nạp được 4.923 đảng viên mới. Một số địa phương có số lượng đảng viên mới kết nạp cao như: Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai... Một số địa phương trong khu vực đã triển khai ứng dụng phần mềm sổ tay đảng viên điện tử, như Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn…

Tháo gỡ khó khăn, tăng cường công tác tổ chức xây dựng Đảng 13 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc ảnh 4Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Bên cạnh những kết quả tích cực, đại biểu dự Hội nghị đánh giá, công tác tổ chức xây dựng Đảng ở các địa phương trong khu vực vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Công tác phối hợp giữa Ban Tổ chức cấp ủy địa phương với các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương chưa thực sự hiệu quả. Việc tham mưu bổ sung, sửa đổi hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác tổ chức cán bộ ở một số địa phương còn chậm. Việc rà soát, xây dựng quy hoạch cán bộ ở một số địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện.

Đồng Thúy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm