Thành phố Hồ Chí Minh và bài toán giảm áp lực lên đô thị

Thành phố Hồ Chí Minh và bài toán giảm áp lực lên đô thị
Áp lực lớn về dân số
Theo các chuyên gia, xu hướng di dân thường tập trung ở các địa phương có kết nối hạ tầng giao thông thuận lợi, tập trung doanh nghiệp cao, hội tụ nhiều trường học, viện nghiên cứu, bệnh viện... Dòng di cư này đang ngày càng khiến các đô thị trở nên quá tải, gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông, y tế, giáo dục…
 
Từ các số liệu điều tra di dân cho thấy, bình quân mỗi năm Thành phố Hồ Chí Minh tăng thêm 200.000 người có đăng ký chính thức; trong đó, 2/3 là dân nhập cư từ nơi khác đến. Theo Phó Giáo sư -Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đó là chưa kể khách vãng lai và lao động thời vụ cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ (dao động từ 1-2 triệu người), tất cả đã dẫn đến quá tải hạ tầng, bệnh viện, trường học, nhà ở, xuất hiện nhiều khu nhà ổ chuột, lấn chiếm, không phép, chất lượng sống người dân bị giảm sút…
Một góc trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh trên đà phát triển. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Một góc trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh trên đà phát triển.
Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
 
Dự báo đến năm 2025, dân số Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng lên hơn 10 triệu dân và 20 năm sau đó có thể lên đến 15 triệu dân. Số người nhập cư vào các thành phố lớn để tìm việc làm chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo nghề, có trình độ học vấn rất thấp, học vấn cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tương ứng tỉ lệ có việc làm là 70%, 60% và 58%.
 
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho rằng, công nghiệp hóa ở Việt Nam được thực hiện rải đều ở các địa phương. Từng tỉnh, thành đua nhau xây dựng bến cảng, sân bay, khu công nghiệp, giao thông nội bộ của tỉnh mà ít chú trọng đến sự liên kết giữa các địa phương. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn quy tụ về các thành phố trung tâm công nghiệp hóa sớm, làn người di cư cũng đổ về đó. Còn các địa phương khác, mặc dù quy hoạch được các khu công nghiệp nhưng không thu hút được doanh nghiệp, không tạo ra được việc làm tại chỗ nên càng thúc đẩy quá trình di cư ngày càng lớn.
 
Theo ông Điền, vòng lẩn quẩn của di cư là do không có việc làm tại địa phương nên di cư đến nơi khác. Từ đó, tạo ra thiếu hụt lao động cho địa phương, dẫn đến khó quy hoạch các dự án thu hút doanh nghiệp tham gia tại địa phương, theo đó tiếp tục thiếu việc làm và tiếp tục thúc đẩy dòng di cư. Người dân ly hương không chỉ bởi sự hấp dẫn của các đô thị lớn mà vì không có việc làm trên chính quê hương của mình hoặc không có môi trường làm việc phù hợp (đối với lao động trình độ cao).
 
Tuy nhiên, nghiên cứu của Thạc sỹ Phạm Thanh Thôi, giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân tạo ra “cơn lốc” di cư của thanh niên từ nông thôn ra thành thị không chỉ vì nông thôn không có việc làm hoặc quá trình đô thị hóa đã làm nhiều hộ dân mất đất. Mà ở đây, khoảng cách quá lớn về điều kiện và cơ hội nâng cao đời sống theo hướng văn minh hiện đại giữa vùng nông thôn và thành thị cũng là nguyên nhân đáng chú ý của các quyết định di cư. Thành thị được kỳ vọng là môi trường sống tốt để những người trẻ cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần theo hướng hiện đại.
 
Thay đổi chiến lược phát triển đô thị
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi chiến lược phát triển ở cả các đô thị lớn và cả những địa phương vùng nông thôn. Vì nếu không điều chỉnh chiến lược cho các thành phố nhỏ và vừa có cơ hội phát triển về việc làm, dịch vụ và tiện ích đô thị thì tình trạng di dân tự do khó có thể kiểm soát.
 
Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, chuyện người dân di cư, trao đổi lao động giữa các địa phương là chuyện bình thường. Nhưng ở đây người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long di cư đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ ròng rã suốt nhiều năm qua thì không còn là quy luật bình thường nữa.
  
Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là tình trạng di dân kéo dài đến một lúc nào đó các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khi có dự án sử dụng nhiều lao động thì không thu hút được. Muốn giữ lao động và kéo lao động trở về Đồng bằng sông Cửu Long thì các địa phương ở đây phải phát triển kinh tế, vấn đề đặt ra là phải phát triển cái gì. Những ngành sử dụng lao động trước đây trong nông nghiệp, thủy sản khó phát triển được nữa.

Vì vậy, còn lại những ngành sử dụng nhiều lao động có tiềm năng phát triển được ở Đồng bằng sông Cửu Long như da giày, may mặc, đồ gỗ… Riêng Cần Thơ phải đóng vai trò trung tâm logistics nhằm giải quyết các vấn đề vận chuyển tại chỗ mà không qua Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Có như vậy mới thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Hàng ngàn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp dệt may Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Hàng ngàn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp dệt may Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Thời gian qua cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày, dệt may đã ý thức được vấn đề này, chủ động chuyển cơ sở sản xuất về vùng nông thôn, vừa giảm áp lực lên đô thị và cũng chính là giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, nâng cao giá trị gia tăng của doanh nghiệp.

Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội da giày Việt Nam cũng đã có định hướng chiến lược khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng nhà máy về nông thôn, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Các cơ sở sản xuất hiện hữu ở đô thị sẽ trở thành các trung tâm nghiên cứu sản phẩm, phát triển khoa học công nghệ gắn với các Viện, trường…
 
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều gặp phải tình trạng di cư trong quá trình công nghiệp hóa. Các nước xử trí bằng cách xây dựng các địa phương vệ tinh chia thành nhiều cấp, để thực hiện giãn dân về các vùng vệ tinh. Để người dân không tập trung về các đô thị lớn, trước hết cần thực hiện phát triển kinh tế theo quy hoạch các vùng, với việc xác định rõ địa phương hạt nhân (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội) chỉ đảm nhận phân khúc nghiên cứu, thiết kế và phân phối; các địa phương khác thực hiện chức năng cung ứng đầu vào, sản xuất.
 
Ngoài ra, để giảm bớt dòng người xuất cư, các vùng nông thôn làm nông nghiệp nên đẩy mạnh các mô hình sản xuất hợp tác, hợp tác xã với tổ chức vận hành chuyên nghiệp và ổn định để thực hiện tốt chức năng cung ứng đầu vào cho các nhà máy chế biến tại các vùng vệ tinh. Theo đó, lao động sẽ có việc làm tại chỗ nên sẽ ở lại quê hương, giảm áp lực di dân đến các thành phố lớn. Đồng thời, chú trọng chính sách đẩy mạnh khởi nghiệp ở các vùng nông thôn trong các lĩnh vực địa phương có thể. Việc này góp phần tạo ra công ăn việc làm tại chỗ, sẽ tác động tích cực vào quá trình giãn dân, hạn chế di cư.

Muốn làm được như vậy, Trung ương cần phân cấp mạnh cho các địa phương trong việc thực thi chính sách trợ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương sẽ thực hiện các biện pháp trợ giúp khởi nghiệp đến từng làng, xã bằng những chương trình cụ thể…
 
Ngoài ra, cũng cần xác định các dịch vụ hỗ trợ như trường học, giao thông, hạ tầng, hạ tầng thông tin, bệnh viện… thích hợp cho mỗi vùng. Nhất là nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học địa phương sinh viên giảm sự tập trung về các thành phố lớn./.
  Việt Âu
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm