Thành phố Hồ Chí Minh có 3.302/3.898 ca mắc COVID-19 ghi nhận trong sáng 23/7

 Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồng Giang - TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Tính từ 19 giờ 30 phút ngày 22/7 đến 6 giờ ngày 23/7, nước ta có có 3.898 ca mắc mới ghi nhận trong nước tại Thành phố Hồ Chí Minh (3.302 ca), Long An (223 ca), Đà Nẵng (47 ca), Bình Dương và Tiền Giang (mỗi nơi ghi nhận 37 ca), Tây Ninh (36 ca), Đồng Nai (33 ca), Đồng Tháp (31 ca), Bình Thuận (23 ca), Bến Tre (20 ca), Ninh Thuận (19 ca), Phú Yên (15 ca), Hà Nội (14) ca, Kiên Giang (13 ca), Vĩnh Long (12 ca), Nghệ An (11 ca), Cần Thơ (10 ca), Trà Vinh (9) ca, Đắk Lắk (4 ca), Quảng Nam và Lai Châu (mỗi nơi 1 ca); có 191 ca trong cộng đồng.

Tỉnh Lai Châu là địa phương lần đầu tiên ghi nhận có ca mắc mới tại cộng đồng trong giai đoạn này. Đây là ca bệnh có tiền sử về từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Tính đến sáng 23/7, Việt Nam có tổng 78.269 ca mắc, trong đó có 2.129 ca nhập cảnh và 76.140 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27/4 đến nay là 74.570 ca, trong đó có 10.647 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới là Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.

Đến nay, tổng số ca bệnh COVID-19 được điều trị khỏi là 13.421 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 131 ca; có 17 trường hợp nguy kịch đang phải điều trị ECMO.

Từ ngày 27/4 đến nay nước ta đã thực hiện 4.905.725 lượt xét nghiệm cho 13.572.520 lượt người.

Trong ngày có thêm 43.720 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho người dân. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.411.659, trong đó tiêm 1 mũi là 4.077.099 liều, tiêm mũi 2 là 334.560 liều.

Ngày 22/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thay mặt Bộ Y tế tham gia và phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN về COVID-19 chủ đề “Một năm sau đại dịch” dưới hình thức trực tuyến.

Nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong, đảm bảo cứu chữa người bệnh COVID-19 kịp thời, Bộ Y tế dự kiến lập gần 30 trung tâm hồi sức tích cực của vùng và 5 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia đặt tại các Bệnh viện: Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế, Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi trung tâm có 500-1000 giường bệnh.

Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị khẩn trương phối hợp chỉ đạo thực hiện thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại các địa điểm như khu ký túc xá, trường học, sân vận động..., với các trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân và thuốc thiết yếu.

Trong văn bản hướng dẫn triển khai tiêm vaccine Pfizer ngày 22/7, Bộ Y tế nhấn mạnh trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng AstraZeneca.

Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh nguồn vaccine hạn chế trên toàn cầu, tiến độ cung ứng không đủ để đảm bảo mỗi người đều được tiêm đủ 2 liều vaccine cùng loại khi đến lịch tiêm, một số quốc gia như Canada, Đức, Pháp, Na Uy, Hàn Quốc... đã áp dụng kết hợp hai loại vaccine phòng COVID-19 khác nhau để tiêm 2 mũi cho người dân đảm bảo hiệu quả phòng bệnh. Nghiên cứu tại một số quốc gia cho thấy sau khi tiêm mũi 1 AstraZeneca và mũi 2 Pfizer cho thấy miễn dịch sinh ra là tương đương với việc tiêm 2 mũi Pfizer và cao hơn so với việc tiêm 2 mũi AstraZeneca...Tuy nhiên việc tiêm AstraZeneca mũi 1 và Pfizer mũi 2 có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.

Ngày 22/7, Tổ công tác của Bộ Y tế đã làm việc ở lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, đưa ra nhiều giải pháp, tư vấn để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tốt hơn. Trong những ngày tới, chiến dịch đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng nên số ca nhiễm sẽ tăng. Địa phương phải sẵn sàng các tình huống đáp ứng dịch bệnh.

Tổ công tác Bộ Y tế cũng đề xuất cho Bình Dương sớm mua bổ sung test nhanh để kịp thời triển khai xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng. Các đơn vị cần vận chuyển mẫu tối thiểu 2-3 lần/ngày về phòng xét nghiệm, tránh ùn ứ mẫu xét nghiệm, không trả kết quả kịp thời. Các đơn vị tuyến huyện cần thực hiện đúng quy trình lấy mẫu, đặc biệt là cách thức mã hóa, danh sách thông tin về những người được lấy mẫu đầy đủ, có số điện thoại của người được lấy mẫu…Chính quyền xã phường chuẩn bị tốt, sẵn sàng cho các đội xuống lấy mẫu tại địa phương.

Qua 4 đợt tiêm chủng, Bình Dương đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 67.417 người (trong đó: 63.370 người mũi 1, 4.115 người tiêm mũi 2), đang chuẩn bị tiêm đợt tiếp theo. Tổ công tác Bộ Y tế tư vấn cho địa phương cần tiêm khẩn trương cho lực lượng tuyến đầu; các cơ sở y tế; người có nhiều bệnh nền; khu vực có nguy cơ cao… Các khu vực tiêm cần có bác sĩ, xe cấp cứu để đáp ứng việc tiêm chủng an toàn.

Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh này đã triển khai các đơn vị điều trị COVID-19 như Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Dã chiến số 1, Bệnh viện Dã chiến số 2, Bệnh viện Dã chiến số 3, Bệnh viện Dã chiến số 4, số 5, số 6 với quy mô đạt 3.000 giường. Trong đó, riêng Trung tâm Hồi sức tích cực của tỉnh Đồng Nai đặt tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là 100 giường bệnh.

Tỉnh Đồng Nai cũng đã quyết định chuyển Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh là bệnh viện chuyên điều trị COVID-19, với quy mô 300 giường bệnh. Hiện ngành y tế Đồng Nai tiếp tục tìm thêm giường bệnh, dự kiến đến hết tuần này, sẽ có khoảng thêm 1.000 giường nữa, đưa số giường điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh này lên 4.000 giường.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm