Ngày 15/11, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Chương trình Gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với thanh niên năm 2024 chủ đề “Thanh niên Bình Phước chung tay xây dựng và bảo tồn bản sắc văn hóa, con người Bình Phước, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng ban Chỉ đạo Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh khẳng định, mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người tỉnh Bình Phước được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, đột phá trong cách nghĩ, cách làm, đáp ứng yêu cầu hội nhập và góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội.
Các sở, ban, ngành chức năng nắm bắt tình hình, lắng nghe những nguyện vọng, đề xuất, hiến kế của thanh niên trong xây dựng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, con người Bình Phước, từ đó định hướng cho thanh niên những quan điểm, chính sách về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về điều kiện học tập, rèn luyện, lao động, giải trí để thanh niên Bình Phước phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về thể chất và tinh thần…Tại chương trình, vấn đề xây dựng và bảo tồn bản sắc văn hóa, con người Bình Phước, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững được nhiều đoàn viên, thanh niên đặc biệt quan tâm.
Chị Trần Phạm Thị Phương Thảo (Huyện đoàn Đồng Phú) trăn trở sự du nhập của những dạng thức văn hóa không phù hợp với truyền thống dân tộc ngày càng nhiều dẫn đến một bộ phận thanh niên còn bộc lộ hạn chế về nhận thức, về hiệu quả trong thực hiện giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; có những biểu hiện sai lệch chuẩn mực giá trị về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống… Chính vì vậy, chị đề xuất với các ngành chức năng, nhà trường, gia đình cần có những giải pháp cụ thể để định hướng, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về hoạt động bảo tồn văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Chị Thị Bé Lan (xã Thanh An, huyện Hớn Quản) đề xuất với các cấp lãnh đạo quan tâm mở các lớp truyền dạy văn hóa cộng đồng người S’tiêng ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; xây dựng Nhà trưng bày các sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc S’tiêng.
Anh Hoàng Việt (xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh) đề xuất ngành chức năng cần có giải pháp thiết thực, cụ thể để thu hút thanh niên đến với các lớp đào tạo nghề truyền thống và hướng phát triển đầu ra cho các loại sản phẩm thủ công. Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã triển khai việc hỗ trợ đào tạo nghề truyền thống cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề chưa gắn với giải quyết việc làm nên chưa thu hút được đối tượng lớp trẻ tham gia vào các lớp đào tạo nghề truyền thống để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngoài các nội dung trên, nhiều đoàn viên, thanh niên cũng quan tâm đến các vấn đề: Giúp đỡ cho thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận công nghệ số, từ đó vận dụng để quảng bá, giới thiệu cho mọi người biết đến di sản văn hóa của đồng bào trên các nền tảng công nghệ số; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức và bảo vệ sự an toàn của thanh niên trên không gian mạng; đẩy mạnh việc số hóa các di sản văn hóa của tỉnh trong công cuộc chuyển đổi số… Các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, thanh niên cũng đã được lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành giải đáp.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đề nghị đoàn viên, thanh niên cần phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong trong việc tuyên truyền, tham gia các hoạt động và nâng cao ý thức trân trọng các giá trị văn hóa dân tộc. Đoàn thanh niên các cấp tổ chức, vận động đoàn viên, hội viên tham gia vào những việc làm cụ thể trong bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.
Nhật Bình