Theo số liệu thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, đến đầu tháng 3/2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh cũng phát huy được thế mạnh riêng của mình trong xây dựng tiêu chí nổi trội.
Ví dụ như xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) lấy việc xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp làm tiêu chí nổi trội. Tại huyện Đông Sơn, xã Đông Minh lại lấy việc phát triển “cơ sở vật chất văn hóa” làm thế mạnh. Xã Quảng Bình (Quảng Xương) còn đăng ký thực hiện cùng lúc 2 tiêu chí nổi trội là “Phát triển cơ sở vật chất, xây dựng thiết chế văn hóa” và “Xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp”. Tương tự, các xã Trường Sơn (Nông Cống), Quảng Lưu (Quảng Xương), Đông Văn (Đông Sơn)... cũng có những thế mạnh riêng được khẳng định. Ngoài những tiêu chí chung phải đạt theo yêu cầu, tiêu chí nổi trội ở những xã nông thôn mới kiểu mẫu gần đây đã trở thành nét riêng, tạo sự khác biệt ở các vùng quê…
Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, đến nay trên địa huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 62 thôn/tổng số 85 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 72,9%. Địa phương đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 sẽ về đích huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Với quyết tâm trở thành vùng quê đáng sống, sau khi được công nhận là xã nông thôn mới năm 2018, Đảng bộ và chính quyền xã Đông Khê đã không ngừng nỗ lực phát huy những tiêu chí hiện có để về đích nông thôn mới kiểu mẫu cuối năm 2022. Ấn tượng đầu tiên khi về Đông Khê là những con đường làng đã được bê tông hóa và trải thảm nhựa rộng ít nhất 4,5 m phong quang, sạch đẹp. Làm đẹp thêm cho những con đường là hệ thống tường rào được người dân xây mới, thiết kế thông thoáng đồng bộ. Các công trình nhà văn hóa - khu thể thao được tiếp tục đầu tư đồng bộ, đáp ứng các tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Có được thành quả như hôm nay chính là nhờ sức mạnh tổng hợp giữa ý Đảng, lòng dân trong trong phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới. Theo đó, người dân trong xã đã tự nguyện hiến 9.560 m2 đất và các công trình phụ trợ để xây dựng đường giao thông nông thôn.
Tiên phong trong phong trào hiến đất mở rộng đường xây dựng nông thôn mới, ông Hoàng Văn Thức, thôn Viên Khê 1, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn bày tỏ sự hài lòng khi người dân đã thực sự được hưởng lợi từ phong trào xây dựng nông thôn mới.
“Trước đây, con đường trước nhà tôi nhỏ hẹp, ô tô không vào được, hưởng ứng phong trào hiến đất làm đường, gia đình đã hiến gần 100 m2 đất ở. Giờ đây đường trước nhà được mở rộng hơn 6m, 3m vỉa hè, thuận lợi cho đi lại và kinh doanh buôn bán… ”, ông Thức chia sẻ.
Theo ông Lê Quang Trường, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Đông Khê, huyện huyện Đông Sơn, xác định người dân là chủ thể của phong trào xây dựng nông thôn mới, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để triển khai. Từ đó, đã tạo sự đồng tình của các tầng lớp Nhân dân.
Là một trong 5 xã trên địa bàn huyện Đông Sơn đạt nông thôn nâng cao, nhờ sự đồng thuận của các cấp chính quyền và nhân dân xã Đông Ninh đã huy động được hơn 400 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cùng với đó, nhân dân đã hiến 6.100 m2 đất mở rộng hành lang giao thông, đóng góp hơn 2.325 ngày công, góp phần vào việc chỉnh trang đường làng ngõ xóm; xây dựng được 1.360 m tường rào thoáng ở 7/7 thôn. Xã đã di dời 76 cột điện ở thôn Trường Xuân, Thành Huy, Phù Bình, Phù Chẩm; xây dựng mới dãy nhà 2 tầng trường mầm non, nhà văn hóa thôn Hòa Bình; chỉnh trang chợ xã, sân vận động, nhà văn hóa, trạm y tế các thôn trên địa bàn xã…
Bà Lê Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn chia sẻ, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra, xã đã tiến hành rà soát, đánh giá lại từng tiêu chí để có hướng đi đúng cho từng giai đoạn. Đảng ủy xã thường xuyên cử cán bộ phụ trách, các thành viên Ban quản lý tập huấn nắm vững các chủ trương, cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Với những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xã, hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Đông Ninh đã cán đích.
Từ năm 2020, huyện Đông Sơn phát động phong trào “chung sức xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh”, triển khai đồng bộ ở tất cả xã thôn, xã. Hằng năm, Ban chỉ đạo chương trình Nông thôn mới huyện đều rà soát, lựa chọn và giao chỉ tiêu cho các xã, thôn thực hiện. Đồng thời, các phòng ban phụ trách tiêu chí thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cùng các địa phương hoàn thành tiêu chí Nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo ông Nguyễn Hữu Sáng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Sơn, địa phương đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu như, hỗ trợ 250 triệu đồng 1 km đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng; 70 triệu đồng 1 km làm rãnh thoát nước trong khu dân cư; Thưởng 100 triệu đồng cho 1 thôn và 500 triệu đồng cho 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu…
Trên cơ sở đó, các địa phương trên địa bàn huyện huy động mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo 13 tiêu chí đối với cấp xã và 14 tiêu chí đối với cấp thôn. Ngoài ra, các tuyến đường trục xã nhân dân hiến đất có vỉa hè, nền rộng 6,5 m trở lên và đường trục thôn, ngõ xóm nền đường rộng 5,5 - 6 m trở lên thì huyện sẽ đầu tư thảm bê tông nhựa.
Khiếu Tư – Nguyễn Nam