Lan tỏa phong trào xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa

Lan tỏa phong trào xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa

Những ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp, những tuyến đường bê tông được mở rộng, trải dài đến từng xóm, làng. Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa các khu dân cư được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Đó là diện mạo nông thôn mới ở Thanh Hóa những năm gần đây.

Lan tỏa phong trào xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa ảnh 1Hạ tầng giao thông và cảnh quan tại thôn Hoa Trường. Ảnh: baothanhhoa.vn

Hoa Lộc là xã thuần nông, nằm về phía Đông của huyện Hậu Lộc. Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Hoa Lộc đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao; trong đó, thôn Hoa Trường (xã Hoa Lộc) đã trở thành hình mẫu tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Hậu Lộc.

Làng quê nông thôn mới ở Hoa Lộc hôm nay được hiện hữu với những dãy nhà cao tầng khang trang, hệ thống hạ tầng đồng bộ, những con đường đất bụi bặm trước kia nay đã được bê tông hoá hoàn toàn, rất thuận lợi cho nhân dân sản xuất và đi lại. Mới đây nhất, tuyến đường liên thôn thông minh dài hơn 700m được đưa vào sử dụng khiến ai cũng vui mừng, phấn khởi.

Ông Trần Văn Điều, người dân xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "So với những năm trước đây, diện mạo nông thôn thay đổi rất lớn, sự thay đổi ở đây không chỉ là cảnh quan, diện mạo bên ngoài mà quan trọng hơn là chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao. Đây sẽ là động lực để bà con nhân dân và chính quyền địa phương tiếp tục nỗ lực xây dựng Hoa Lộc thành xã nông thôn mới kiểu mẫu."

Phấn đấu về đích huyện nông thôn mới trong năm 2023, huyện Hậu Lộc đã xây dựng kế hoạch, lộ trình từng tiêu chí cụ thể, dùng ngân sách huyện cùng nguồn hỗ trợ của tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các hạng mục còn thiếu như tiêu chí về trường học, giao thông, môi trường, giao thông thủy lợi để đầu tư nâng cấp… Cùng với việc chỉ đạo 2 xã cuối cùng về đích nông thôn mới, huyện Hậu Lộc đã thực hiện song song các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới theo hướng "vừa làm, vừa rà soát".

Từ đó, huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, các ngành chức năng thực hiện. Đồng thời, tập trung khai thác nguồn lực tại chỗ theo hướng phát huy thế mạnh địa phương để dồn sức cho xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện Hậu Lộc cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các xã phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; chính sách hỗ trợ, kích cầu xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn…

Ông Trịnh Cao Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2023, toàn huyện Hậu Lộc nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm đâỷ nhanh tiến độ, phấn đấu xây dựng thành công huyện nông thôn mới. Ngay từ những tháng đầu năm, huyện Hậu Lộc tiếp tục chỉnh trang đô thị, các tiêu chí như trường học, giao thông, đê điều… tập trung phát triển các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế nâng cao đời sống thu nhập, phấn đấu thu nhập của người dân đạt 53 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, ở giai đoạn nước rút về đích nông thôn mới toàn huyện, các tiêu chí đang được nỗ lực hoàn thiện để "cán đích" đúng mục tiêu kế hoạch đề ra.

Diện mạo nông thôn mới không chỉ thay đổi cơ sở hạ tầng mà đời sống người dân cũng ngày càng được nâng cao.

Là xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Thiệu Hóa, diện mạo nông thôn ở xã Thiệu Trung đã thay đổi một cách rõ rệt, đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp, thông thoáng, đường giao thông nội đồng cơ bản được cứng hóa, mở rộng, thuận tiện cho việc đi lại và sản xuất của người dân. Có thể khẳng định thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Thiệu Trung chính là ở việc chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với nghề truyền thống là đúc đồng đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương. Nếu năm 2012, thu nhập bình quân đầu người ở Thiệu Trung mới đạt 22,9 triệu đồng thì đến cuối năm 2022 tăng lên trên 57 triệu đồng. Toàn xã có 3/6 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 3 sản phẩm OCOP 4 sao...

Ông Đỗ Đức Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa cho biết: "Năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới nâng cao; trong đó xác định tiêu chí nổi trội là thực hiện chương trình chuyển đổi số. UBND xã đã đưa vào sử dụng hệ thống phòng họp không giấy kết nối trực tuyến với tất cả các nhà văn hóa thôn; 100% văn bản được xử lý trên môi trường mạng; trên địa bàn xã có hơn 50% các tài khoản thanh toán tiền điện, tiền nước... Đây sẽ là tiền đề để địa phương hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh."

Đây là năm thứ 2 tỉnh Thanh Hóa cùng cả nước triển khai Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 với nhiều nội dung nâng cao hơn. Khi triển khai vào thực tiễn đã đặt ra những thách thức mới, yêu cầu cả hệ thống chính trị, các sở, ngành và đơn vị liên quan ở tỉnh Thanh Hóa cùng vào cuộc thực hiện. Rút kinh nghiệm của năm 2022, đầu năm 2023, Ban chỉ đạo các cấp ở Thanh Hóa đã sớm lựa chọn những đơn vị, địa phương có đủ điều kiện, tiềm năng để xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện; trong đó tập trung vào những tiêu chí khó, trọng tâm như phát triển sản xuất, tăng thu nhập... từ đó xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế mới, phát triển ngành nghề nông thôn, hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập và đời sống.

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 12 đơn vị cấp huyện, 349/465 xã, 700 thôn bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 67 xã đạt chuẩn nông cao nâng cao và 10 xã, 302 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Dương Văn Giang – Phó Chánh Văn phòng Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống; trong đó có việc phát triển kinh tế bị chững lại, ảnh hưởng đến nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Thanh Hóa đã có những cách làm sáng tạo, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, vì vậy chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, tỉnh còn 119 các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 104 xã miền núi, địa bàn khó khăn.

Với phương châm "Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc", vượt qua mọi khó khăn, năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu có thêm 1 huyện, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 8 xã và 60 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hoa Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm