Thanh Hóa tập trung khắc phục hậu quả của mưa lớn sau bão số 4

Thanh Hóa tập trung khắc phục hậu quả của mưa lớn sau bão số 4

Chiều 1/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công điện số 11 về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của mưa lớn sau bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố bị ảnh hưởng do mưa lớn xảy ra vừa qua khẩn trương triển khai công tác khắc phục nhanh hậu quả do ảnh hưởng của mưa lớn sau bão số 4. Tiếp tục rà soát, chủ động cảnh báo, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu. Đồng thời kiểm tra, rà soát các công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng do thiên tai gây ra, đặc biệt là đường giao thông, hệ thống điện, công trình thuỷ lợi, đê điều để chủ động ứng phó với những đợt thiên tai mới, nhanh chóng khôi phục sản xuất sau mưa lũ, góp phần ổn định đời sống cho người dân. Các địa phương chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, khu vực xảy ra sạt lở... không để xảy ra các thiệt hại đáng tiếc về người.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Công ty Điện lực Thanh Hóa và chủ các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác bảo đảm an toàn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hệ thống điện, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh và khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, chỉ đạo công tác điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện, bảo đảm vận hành khoa học, an toàn; đồng thời góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.

Trước đó, từ ngày 26/9 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tục có mưa kéo dài gây ngập úng cục bộ nhiều nơi. Tổng lượng mưa từ ngày 28-30/9 phổ biến từ 100-300 mm, có nơi lên đến 336mm. Mưa lớn sau bão số 4 đã gây lũ, ngập lụt cục bộ tại một số huyện khu vực đồng bằng, trung du miền núi ở Thanh Hóa như Nông Cống, Quảng Xương, Như Thanh, Như Xuân, Thị xã Nghi Sơn…, làm cho một số diện tích sản xuất nông nghiệp và tuyến đường giao thông bị ngập, sạt lở. Để ứng phó, các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đồng loạt vận hành 40 trạm bơm để tiêu thoát lũ. Hiện các đơn vị quản lý và khai thác các công trình thủy lợi đang tiếp tục cập nhật tình hình mưa, lũ, chuẩn bị các điều kiện để vận hành các trạm bơm, bảo vệ cây trồng.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh, trong ngày và đêm 1/10, do ảnh hưởng của hình thế thời tiết trên nên khu vực Thanh Hóa tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông, tổng lượng mưa trong 24 giờ phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 80 mm. Dự báo tình hình mưa vừa, mưa to và dông vẫn tiếp tục diễn ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho đến sáng 3/10, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở miền núi, ngập lụt vùng trũng thấp, các ngầm, tràn giao thông cũng như nguy cơ mất an toàn các hồ chứa đã đầy nước hoặc quá dung tích thiết kế.

Hoa Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm