Với mục tiêu giúp nhân dân phát triển kinh tế cũng như bảo tồn loài cây dược liệu quý, Trạm khuyến nông huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa thực hiện dự án khoa học “Bảo tồn, phát triển, sản xuất cây dược liệu Giảo cổ lam tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa”. Ông Hà Khắc Diệp, Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Bá Thước, Chủ nhiệm dự án cho biết: Tại Việt Nam, cây Giảo cổ lam phân bố ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên... Trong một nghiên cứu phối hợp giữa Viện dược liệu Trung ương và Viện Karolinski Thụy Điển, Hội đái tháo đường Thụy Điển về cây Giảo cổ lam tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một hoạt chất mới và đặt tên là phanosid. Chất này có tác dụng hạ đường huyết, kích thích tụy, tăng tiết Insulin, làm tăng sự nhạy cảm của tế bào đích với insulin. Nhờ có nhiều hoạt chất như flavonoit, saponin nên ngoài công dụng làm thuốc, người dân miền núi đã hái lá, ngọn làm rau. Rau Giảo cổ lam có vị hơi đắng, ngọt, nhưng rất ngon, tốt cho sức khỏe. Tại huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, cây dược liệu Giảo Cổ Lam phân bố trên núi các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Niêm, Cổ Lũng, Lũng Cao và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
Cây dược liệu quý Giảo cổ lam được trồng tại xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Những năm trước đây, loài cây này mọc nhiều, nhưng do nhu cầu tiêu thụ Giảo cổ lam lớn nên tình trạng người dân khai thác ồ ạt, không có ý thức bảo tồn khiến loài cây này đang có nguy cơ cạn kiệt. Vì vậy, thực hiện dự án trên không chỉ giúp nhân dân cải thiện thu nhập mà còn góp phần bảo vệ nguồn gen quý của thiên nhiên. Từ thực trạng trên, Trạm khuyến nông Bá Thước đã điều tra thực trạng phân bố, tình hình khai thác, tiêu thụ cây Giảo Cổ lam; đồng thời phối hợp với Trung tâm dược liệu Bắc Trung Bộ đào tạo cán bộ, tập huấn kỹ thuật sản xuất giống và trồng thâm canh cây Giảo Cổ Lam cho nông dân. Trong quá trình khảo sát, Ban quản lý dự án nhận thấy Giảo cổ Lam sinh trưởng, phát triển tập trung dưới tán cây các chân núi đá, các bờ khe suối, nơi có độ ẩm thấp. Cán bộ dự án đã lấy giống Giảo cổ lam và xử lý giống trước khi mang đi trồng. Tại thôn Báng, xã Thành Sơn, dự án đã xây dựng vườn ươm giống có quy mô 1.000 m2 và đã nhân được 10.000 hom cây giống, từ đó cung cấp giống cho 17 hộ tham gia mô hình trồng Giảo cổ lam. Tại 5 xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng, Lũng Cao, Lũng Niêm, dự án đã thực hiện mô hình trồng cây Giảo cổ lam tập trung và phân tán tại 17 hộ gia đình tham gi. Đến nay, người dân đã trồng được 5.000 m2 cây Giảo cổ lam tập trung tại xã Thành Lâm và trồng phân tán 10.000 m2 tại các xã còn lại. Qua nghiên cứu, Ban quản lý dự án đã xác định thời gian trồng Giảo cổ lam vảo tháng 8, 9 là thuận lợi nhất với điều kiện, khí hậu tại huyện Bá Thước. Sau 30 ngày kể từ khi trồng, cây phát triển từ 5 - 7 cm. Nhờ thực hiện đúng quy trình nên 17 hộ tham gia trồng cây Giảo cổ lam đều có thêm nguồn thu mới. Hiện nay, 9 hộ gia đình trồng phân tán trên diện tích 10.000 m2, cây phát triển tương đối tốt, năng xuất đạt 4.113 kg tươi/ha và 822.6 kg khô/ha; số hộ còn lại trồng tập trung trên diện tích 5.000 m2, đạt năng suất 2.008 kg tươi/ha và 401.6 kg khô/ha. Anh Hà Văn Đắc, thôn Đanh, xã Thành Lâm cho biết, nhờ được tập huấn kỹ thuật và trực tiếp tham gia mô hình nên các hộ tham gia mô hình đã biết giữ gìn, bảo tồn cây dược liệu Giảo cổ lam. Đồng thời, biết nhân giống, tận dụng diện tích đất dưới tán rừng, chân núi đá để trồng thâm canh tăng năng suất mà không phụ thuộc vào nguồn dược liệu từ tự nhiên, chủ động tạo nguồn dược liệu tại chỗ. Theo ông Hà Khắc Diệp, Trạm trưởng Trạm khuyến nông Bá Thước, ngoài việc tổ chức 3 khóa tập huấn cho 150 người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác, sơ chế cây dược liệu Giảo Cổ Lam, dự án còn góp phần chống sói mòn đất, giữ vững nguồn nước cho sản xuất, giúp bà con nông dân biết sử dụng công nghệ mới trong sản xuất nông lâm kết hợp với sản xuất cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Trạm khuyến nông huyện Bá Thước sẽ tiếp tục phát triển các mô hình trồng cây Giảo cổ lam để hướng tới nhân rộng ra toàn tỉnh, tạo nguồn dược liệu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nguyễn Nam