Người dân Sa Ná đau buồn sau cơn lũ dữ. Ảnh: Trịnh Duy Hưng - TTXVN |
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh Thanh Hóa đã huy động 1.498 chiến sỹ cùng phương tiện như ô tô, xe máy, xuồng máy, mô tô nước phối hợp với lực lượng tại các đồn biên phòng, huyện đội, công an huyện đứng chân trên địa bàn các huyện Quan Sơn, Mường Lát khẩn trương tìm kiếm, cứu hộ người bị nạn; đồng thời cùng chính quyền địa phương tập trung công tác cứu trợ và cung cấp lương thực, nước uống, điện sinh hoạt cho nhân dân các bản bị chia cắt, cô lập. Giao thông trên các tuyến Quốc lộ 15, 15C, 217 qua huyện Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước... bị sạt lở 92 điểm, khối lượng sạt lở khoảng 31.000m3 và 15 điểm bị ngập.
Người dân thẫn thờ khi tài sản bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: Trịnh Duy Hưng - TTXVN |
Mưa bão cũng làm cho 59 ngôi nhà của đồng bào các huyện Mường Lát, Quan Hơn bị hư hỏng hoàn toàn, 65 ngôi nhà khác bị thiệt hại nặng, 907 nhà bị ngập khiến 16 hộ phải di dời khẩn cấp và 1.154 hộ phải sơ tán.
Do ảnh hưởng bão số 3, trong các ngày từ 31/7 đến 4/8, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to đến rất to gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, sản xuất, gây sạt lở, hư hỏng các công trình giao thông, thuỷ lợi, đê điều. Tổng lượng mưa tính được đến chiều 4/8 phổ biến từ 70-200mm, một số nơi có mưa lớn như Mường Lát 415mm, Na Mèo (Quan Sơn) 453mm, Bát Mọt (Thường Xuân) 379mm, Bá Thước (204mm)…Trên các sông đã xảy ra một đợt lũ lớn.
Trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, trong ngày 4/8 và 5/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các đoàn công tác cấp tỉnh đi kiểm tra, chỉ đạo, động viên chính quyền, nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra trên địa bàn 2 huyện miền núi Quan Sơn, Mường Lát.
Người dân ra bờ suối mong người thân trở về sau trận lũ dữ. Ảnh: Trịnh Duy Hưng - TTXVN |
Sở Công Thương Thanh Hóa đã huy động 2.860 thùng mì tôm, 39 thùng lương khô, 520 thùng nước khoáng để hỗ trợ huyện Quan Sơn, đồng thời chỉ đạo các chủ hồ thủy điện chủ động vận hành an toàn các hồ đập thủy điện, đảm bảo đúng quy trình. Sở Giao thông vận tải đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị để khắc phục các sự cố về giao thông, chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ trực gác bão, lũ làm rào chắn, cắm biển báo điều tiết giao thông tại các khu vực bị ngập, sạt lở.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có công văn yêu cầu các huyện miền núi phân công lãnh đạo, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xuống ngay các xã, các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo công tác sơ tán dân vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; tập trung chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Hoa Mai